Đầu tư dệt may đón TPP: Trung Quốc hưởng lợi thay Việt Nam?
Làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đang đổ dồn vào Việt Nam để dành lấy cơ hội khi Việt Nam tham gia TPP.
Trung Quốc tìm cách để... kiểu gì cũng có phần!
PV: -Kể từ cuối năm 2013 trở lại đây, việc thu hút FDI vào dệt, nhuộm dường như đang nóng lên với một loạt dự án được cấp phép và đang làm thủ tục xin phép địa phương. Đáng chú ý, có tới 90% số doanh nghiệp tham gia đầu tư đến từ Trung Quốc. Bà lý giải như thế nào về hiện tượng này?
Chuyên gia Phạm Chi Lan:- Khi Việt Nam tham gia TPP thì một trong những lợi ích lớn nhất là lợi ích của ngành dệt may có thể xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ với thuế xuất bằng không. Như vậy khả năng tăng trưởng rất cao.
Lâu nay xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đi các nước phần nhiều vật liệu đầu vào phải mua từ Trung Quốc. Bây giờ nếu Việt Nam tiếp tục nhập khẩu từ Trung Quốc thì không được hưởng lợi ích thuế đó. Và nếu không được hưởng thì bản thân Trung Quốc cũng không bán được hàng nên thay vì bán từ Trung Quốc sang thì họ mang công nghệ, nhà máy sang dệt vải ở Việt Nam. Lợi ích sản phẩm dệt may mà Việt Nam bán sang Mỹ sau này có tăng lên thì trong đó phần của Trung Quốc vẫn lớn.
Những điều này phần nào có thể lý giải làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đổ vào Việt Nam.
Làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam là để đón đầu TPP |
PV:-Khi đầu tư vào Việt Nam theo hình thức FDI, Trung Quốc sẽ được mang công nghệ, nhân công và được hưởng những chính sách ưu đãi giành cho nguồn vốn FDI. Mặt khác với những siêu dự án như vậy các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp này. Xin bà phân tích cụ thể những cái được và mất của Việt Nam khi đón nhận dòng vốn đầu tư này? Liệu có thể hiểu đây là cái bẫy tự do thương mại kiểu mới (thay vì cách thu mua nguyên liệu thô truyền thống) của Trung Quốc đối với những nền kinh tế yếu hơn như Việt Nam?
Chuyên gia Phạm Chi Lan:- Vấn đề là từ mấy năm nay chúng ta đã biết yêu cầu của TPP rồi, lẽ ra sẽ phải thúc đẩy tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào ngành dệt may. Thế nhưng ta lại chưa làm được việc này.
Có thể hiểu một phần là khó khăn kinh tế kéo dài trong mấy năm vừa qua. Phần khác tôi nghĩ là cũng thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành. Dường như không ai ý thức được việc này mà cứ để cho các doanh nghiệp tự xoay sở với nhau.
Còn ưu đãi đầu tư, theo chính sách thì không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nước ngoài và đầu tư trong nước nữa. Nhưng thực tế doanh nghiệp đầu tư của nước ngoài vẫn nhận được nhiều ưu đãi hơn trong nước.
Ví dụ họ tiếp cận đất đai dễ dàng hơn, họ được hưởng thuế thấp hơn, nhân công, lao động... cũng vậy.
Còn riêng với Trung Quốc họ mang cả công nghệ và người lao động của họ sang, trong khi đáng ra phải sử dụng lao động Việt Nam thì họ đang vi phạm quy định của luật pháp Việt Nam.
Những chuyện này nhà nước phải giám sát chặt chứ không thể để họ vi phạm như những dự án khác mà họ đã mang rất nhiều lao động đến Việt Nam biến thành địa bàn, làng bản của người Trung Quốc trên đất Việt là không chấp nhận được.
Nghịch lý khinh nội, sính ngoại
PV:-Đặt trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sắp được ký kết trong khi Trung Quốc lại không tham gia hiệp định này, việc xâm nhập mạnh mẽ vào thị trườngViệt Nam có phải là cách Trung Quốc đón trước TPP ở Việt Nam không. Xin bà phân tích cụ thể mục tiêu của Trung Quốc? Liệu có thể hiểu trong lĩnh vực này Trung Quốc chứ không phải Việt Nam sẽ là người hưởng lợi TPP đồng nghĩa những gì người dân Việt Nam nhận được từ dòng FDI dệt may chỉ là ô nhiễm môi trường?
Chuyên gia Phạm Chi Lan:- Điều này thì đã quá rõ ràng. Trung Quốc đang muốn giành lấy cơ hội khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà họ không phải là thành viên.
Song có một nghịch lý là ở trong nước ngay cả đơn vị lớn nhất của ngành dệt may là Vinatex muốn đầu tư để đón đầu TPP nhưng họ cũng kêu là rất khó vì các địa phương đều không muốn nhận ngành dệt. Lý do được các địa phương đưa ra là vì sợ ô nhiễm môi trường vì có khâu nhuộm có nước thải.
Thế nhưng đặt ngược câu hỏi rằng vậy các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam thì có gây ô nhiễm môi trường không và Việt Nam có kiểm soát được không mà lại hồ hởi đón đầu tư của Trung Quốc mà lại không chấp nhận đầu tư của Việt Nam?
Tôi thấy rằng điều này thể hiện sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Lẽ ra cần phải có chỉ đạo mạnh xuống các địa phương, hoan nghênh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành dệt để thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Nhưngchúng tađãkhông làm như thế.
PV:-Từ trường hợp của dệt may, liệu có thể lo ngại cho tương lai các ngành sản xuất khác của nền kinh tế Việt Nam bị thâu tóm bởi tay các doanh nghiệp Trung Quốc không? Hậu quả của nó sẽ là như thế nào, thưa bà?
Chuyên gia Phạm Chi Lan:- Chuyện thâu tóm lại là chuyện khác. Ở đây tôi nghĩ rằng chính sách đầu tư của Việt Nam nhằm vào những nước nào, thu hút từ những đâu thì phải rõ ràng. Những chính sách này tôi nghĩ rằng ưu tiên số 1 phải là cho doanh nghiệp Việt Nam.
Nhưng hiện nay có tình trạng ngân hàng thì thừa vốn mấy năm liền không đạt được tăng trưởng tín dụng trong khi tiền vẫn huy động vào được. Ngược lại các ngân hàng lại bỏ tiền để mua trái phiếu chính phủ có nghĩa là huy động tiền của dân rồi đưa vào khu vực công.
Trong khi đó đáng lẽ tiền đó để cho doanh nghiệp vay với điều kiện thuận lợi để cho họ đầu tư cho ngành dệt khi đó sẽ mang lại lợi ích bao nhiêu cho nền kinh tế nhưng lại không làm. Ngân hàng cũng không quan tâm cho doanh nghiệp vay. Chính phủ cũng vẫn ham đầu tư của mình nên mới huy động trái phiếu.
Chừng nào Chính phủ còn huy động trái phiếu và ngân hàng còn thích cho chính phủ vay hơn là cho doanh nghiệp vay để đầu tư thì dòng chảy của đồng tiền sẽ vẫn đi ngược với mong muốn. Cái đó là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Nhà nước phải chỉ đạo các địa phương đưa ra yêu cầu hỗ trợ và đừng để vênh nhau giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Thứ hai là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thì cũng cần xem xuất xứ từ đâu. Nếu như có chính sách tốt thì vẫn có thể thu hút được các doanh nghiệp từ các nước khác nữa chứ không phải chỉ Trung Quốc.
Còn chuyện thâu tóm doanh nghiệp thì chỉ đáng ngại ở lĩnh vực hiện nay Nhà nước chủ trương cho cổ phần hóa, tức là cho cả nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần. Tuy nhiên trong quá trình này nhà nước vẫn cần giám sát không để quá nhiều doanh nghiệp của Việt Nam rơi vào tay một số nhà đầu tư nhất định, nhất là trong tình trạng đối với Trung Quốc hiện nay khi nền kinh tế đã bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc rồi.
Đặc biệt trong tình hình hiện nay thì cũng là một cảnh báo với Việt Nam là Trung Quốc rằng nếu như họ có ý đồ thì họ có thể làm mọi thứ gây khó cho mình.
PV:-Châu Phi đã giật mình cảnh báo về hệ lụy những khoản đầu tư từ Trung Quốc. Còn Việt Nam sẽ phải lựa chọn nguồn đầu tư như thế nào để người dân được hưởng lợi chứ không phải một vài nhóm lợi ích nào đó?
Chuyên gia Phạm Chi Lan:- Thực ra thì Việt Nam cũng đã có thu hút đầu tư từ rất nhiều nước khác nhau chứ không phải chỉ riêng Trung Quốc. Nếu với tư cách là một nhà đầu tư FDI thì Trung Quốc chỉ là một nhà đầu tư nhỏ ở Việt Nam.
Tuy nhiên cái bất cập ở đây là Trung Quốc không phải bỏ tiền vốn đầu tư nhưng lại nhận được rất nhiều dự án lớn ở Việt Nam ở các ngành quan trọng.
Ví dụ như điện và một số ngành xây dựng cơ bản thông qua việc làm đấu thầu các dự án. Trong khi đó việc đấu thầu của họ thì Việt Nam đã thấy quá rõ bằng chứng của việc đấu thầu thì bỏ giá thấp, tiến độ kéo dài rồi bằng nhiều cách để đội giá lên. Đến cuối cùng thì giá thành sẽ đắt hơn nhiều so với các giá khác. Thế nhưng Việt Nam lại cứ nhắm mắt trao các dự án đó cho Trung Quốc.
Điều này cho thấy họ được rất nhiều mặt, không mất tiền đầu tư mà vẫn dành được dự án, vẫn lấy được nguồn vốn ODA của các nước mà Việt Nam đang vay, rồi nguồn vốn của Chính phủ Việt Nam.
Còn các công ty Việt Nam phát triển bao nhiêu, được ưu đãi bao nhiêu rốt cuộc chỉ là người đứng ra nhận nhà máy do Trung Quốc xây để vận hành thôi chứ không làm gì hơn cả.
Tôi nghĩ rằng có nhóm lợi ích ở đây để có thể giải thích tất cả những điều tại sao biết sự hạn chế từ các nhà thầu Trung Quốc mà lại cứ nhắm mắt làm. Phải chăng có chuyện đi đêm với nhau.
Tại sao họ bỏ thầu thấp rồi đội giá lên mà vẫn trả theo giá mới mà lại không hề phạt là họ đã làm không đảm bảo tiến độ? Thậm chí tôi có thể nói là họ đang được “thưởng” bằng cách chấp nhận trả cái giá đã được đội lên. Nếu không phải là chuyện móc ngoặc, đi đêm thì liệu có thể có cách giải thích khác được không?
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo Bích Ngọc (thực hiện)