Đầu tư vào Tây Bắc: Doanh nghiệp mới quan tâm mà chưa "mặn mà"
Tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc được tổ chức ngày 4/4 tại thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La đều nhận định, Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng và an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đều nhận định các tỉnh vùng Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn vì có nhiều huyện nghèo nhất trong cả nước, địa hình phức tạp, mật độ dân cư thưa, tập quán canh tác còn mang tính tự cung, tự cấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Cần đẩy mạnh mô hình liên kết
Đây là lần thứ 4 vùng Tây Bắc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nhưng cứ qua mỗi lần tổ chức thì các đại biểu lại đăng ký tham dự đông hơn. Ban tổ chức cho biết, đã có trên 2.000 lượt đại biểu đăng ký tham dự nhưng do điều kiện ở Mộc Châu chưa đáp ứng nên chỉ đồng ý cho 1.700 đại biểu tham dự (nhiều hơn Hội nghị lần thứ 3 tới 700 đại biểu). Như vậy, chứng tỏ Tây Bắc ngày càng được các Bộ ngành, nhà đầu tư quan tâm đến nơi này.
Đại diện Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho hay: Hàng loạt công trình hạ tầng đã hoàn thành và được nâng cấp, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã thông tuyến vào tháng 9/2014 tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho bà con nơi đây.
Thương mại, dịch vụ được mở rộng, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu đời sống và sản xuất, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 110.483 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2013. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn đạt 7.803 triệu USD, tăng 41,71% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương đạt 1.318 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chính như: quặng, chè chế biến, hàng dệt may, gỗ chế biến các loại; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, máy móc thiết bị, hàng nguyên liệu may mặc.
Do là vùng đặc biệt khó khăn nên các dự án đầu tư vào Tây Bắc đều được hưởng các chính sách ưu đãi lớn về tiền thuê đất, hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng, giao thông nội bộ, điện nước, môi trường.
Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng miền nghèo nhất so với cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, lúng túng, hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém. Thu ngân sách trên địa bàn mới đáp ứng được 1/3 chi ngân sách địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân các thôn bản vùng sâu, vùng xã gặp nhiều khó khăn.
Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều nhấn mạnh, rất muốn đầu tư lên Tây Bắc nhưng vì đường giao thông vùng này không thuận lợi, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt và đặc biệt vùng này chưa thể sản xuất theo chuỗi, chưa có mô hình liên lết nên chưa "mặn mà" đầu tư vào đây.
Chính Thứ trưởng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cũng cho rằng, hiện Tây Bắc vẫn còn nhiều bất cập như thiếu mô hình liên kết trong các góc độ mặc dù có khởi sắc. Thí dụ một dự án lớn nằm trên tỉnh nhưng có liên quan đến nguồn nước của nhau thì việc điều hành vẫn chưa được tốt.
Ngoài ra, theo ông Trung, trong vùng trừ Thái Nguyên thì cơ bản các tỉnh chưa có dự án động lực vì các dự án này có giá trị lan tỏa rất cao. Để thu hút được các dự án động lực cần có sự vận động xúc tiến của các lãnh đạo cấp cao. Khi có các dự án ấy thì sẽ có công nghiệp phụ trợ xuất hiện và các giá trị khác như an sinh xã hội cũng được giải quyết.
Ông Trung kiến nghị thêm, các tỉnh trong vùng Tây Bắc cần tập chủ động hợp tác, liên kết để tìm ra giải pháp cho phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài các nguồn vốn bố trí từ ngân sách, ODA... cho các công trình trọng điểm, các địa phương cần xác định mức độ ưu tiên đầu tư cho các công trình khác mang tính liên vùng và tập trung nguồn lực để phát triển các dự án này; giữa các tỉnh trong vùng Tây Bắc cần có sự phân công hợp lý, để mỗi tỉnh nên tập trung đào tạo chuyên sâu một số ngành, tránh trùng lắp.
Đồng tình với ý kiến của ông Trung, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Hùng Cường chuyên sản xuất về chè cho rằng, nguồn nguyên liệu luôn là vấn đề sống còn của các nhà máy chế biến, thậm chí không ít nhà máy chế biến “chết đói” trên vùng nguyên liệu .
Ông Khoa đặt câu hỏi, vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Chính là hậu quả tất yếu của hoạt động kinh tế thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu liên kết hiệu quả giữa sản xuất và kinh doanh, mạnh ai nấy làm mà nhiều người gọi là hội chứng “kinh tế phong trào”.
Ông Khoa kiến nghị, các tỉnh cần phải xây dựng kế hoạch khảo sát vùng nguyên liệu, xác định chất lượng vùng nguyên liệu; xây dựng quy trình hệ thống gắn kết với người nông dân phát triển sản xuất…
Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì bày tỏ và đặt câu hỏi, liệu cơ sở hạ tầng, vị trí địa lý có phải là khó khăn duy nhất của vùng này. Theo ông Lộc, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng hay chất lượng nguồn nhân lực chắc hẳn sẽ được khắc phục một phần nếu địa phương có công tác điều hành kinh tế tốt, có chiến lược phát triển tốt. Ngược lại, thực tế đã chứng minh nhiều địa phương có sẵn nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực nhưng lại không bứt phá, thu hút đầu tư được tương xứng với lợi thế có sẵn này.
“Tôi hy vọng Hội nghị này sẽ là bước khởi động quan trọng để xây dựng và thực hiện một chương trình đồng bộ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và đảm bảo an sinh xã hội vùng Tây Bắc,” ông Lộc nhấn mạnh.
Sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cam kết, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực. Tập trung đầu tư khai thác các ngành, lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Bắc như nông nghiệp nông thôn (đặc biệt là các mô liên kết chuỗi sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp), thủy điện, khai khoáng, du lịch nhằm tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực.
Ngoài ra, sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh cho vay và cung ứng dịch vụ ngân hàng đến các khu vực cửa khẩu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại các vùng kinh tế cửa khẩu.
Là một doanh nghiệp đầu tư lớn cho vùng Tây Bắc, ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, trong những năm qua BIDV đã cung ứng vốn cho nhiều công trình lớn như Thủy điện Hòa Bình, khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên, thủy điện Lai Châu, Sơn La.
Lãnh đạo BIDV cũng cam kết sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn nếu các doanh nghiệp có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, mặc dù nền kinh tế cả nước rất khó khăn nhưng lực lượng doanh nghiệp cả nước vẫn dành nhiều quam tâm đầu tư đối với vùng Tây Bắc.
Tuy nhiên, để vùng Tây Bắc phát triển hơn nữa, Phó Thủ tướng đề nghị các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, nhà tài trợ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu thêm về Tây Bắc. Trên cơ sở đó phát huy khả năng về vốn, công nghệ, thị trường để hợp tác liên kết tổ chức sản xuất kinh doanh, vì lợi ích lâu dài của doanh doanh nghiệp của nhân dân trong vùng.
Đề nghị các tỉnh trong vùng quan tâm xây dựng tuyến biên giới hòa bình hữu nghị để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng cơ chế chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Cũng tại Hội nghị lần này, Ban Chỉ đạo đã trao giấy chứng nhận cho 15 dự án đầu tư tại 8 tỉnh với tổng giá trị gần 10.000 tỷ đồng; cam kết đầu tư cho 4 tỉnh là Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang và Cao Bằng với 17 dự án, tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại ký thỏa thuận cho vay tín dụng đối với 12 dự án, với tổng trị giá trên 4.700 tỷ đồng.
Trong đó nổi bật là dự án Thuỷ điện Nậm Tha 3 tại Lào Cai của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh, do BIDV tài trợ 339 tỷ đồng; VietinBank tài trợ 682 tỷ đồng cho Công trình thủy điện Nậm Toong và 840 tỷ đồng Thuỷ điện Nậm Củn tại Sapa, tỉnh Lào Cao…
>>>Năm 2014, vùng Tây Bắc thu hút gần 1,8 tỷ USD vốn FDI
Theo Thúy Hà
TTXVN