MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các quyết định của Chính phủ về quy hoạch hệ thống trung tâm logistics, cảng cạn (ICD), cùng các cải cách thủ tục hành chính đã góp phần tích cực thúc đẩy logistics phát triển.

Hiện nay, doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) vẫn nặng mua CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập) bán FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất), chỉ khoảng 30% doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu và quen với dịch vụ logistics thuê ngoài, số còn lại vẫn tự làm. Điều này làm ảnh hưởng hiệu quả dịch vụ logitics cũng như thúc đẩy logistics phát triển.

Bộ Công Thương cũng cho biết, doanh nghiệp làm dịch vụ logistics chủ yếu là vừa và nhỏ. Gần đây số lượng doanh nghiệp gia tăng làm cho dịch vụ logitisc cạnh tranh hơn. Tuy nhiên năng lực và thị phần doanh nghiệp Việt Nam chậm chuyển biến.

Số lượng doanh nghiệp logistic Việt Nam hiện nay khoảng 1.300 doanh nghiệp, chiếm 25% thị phần, vốn điều lệ phần lớn khoảng 4-6 tỷ đồng và chiếm khoảng 72% lao động, tuy nhiên được đào tạo bài bản chỉ chiếm 5-7%; số lượng doanh nghiệp FDI khoảng 4-5% nhưng chiếm 75% thị phần. Chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 2-25% GDP cả nước.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics tương đương khoảng 10-13% GDP ở các nước phát triển, khoảng 15-20% GDP ở các nước đang phát triển. Việc giảm chi phí này giúp tăng sức cạnh tranh hàng hóa của quốc gia. Trong sự phát triển của xuất nhập khẩu (XNK) những năm qua, logistics đã trở thành ngành dịch vụ quan trọng.

Tuy nhiên, thời gian qua, chưa có sự gắn bó đầy đủ giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp XNK, làm cho doanh nghiệp XNK đang phải chịu chi phí cao, thời gian kéo dài, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; có khó khăn là hạ tầng kết nối các khu vực cảng với khu vực tập trung hàng hóa còn yếu; thiếu các trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ chuyên dụng. Từ đó đặt ra yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ, hợp lý; xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo Luật Thương mại, dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Theo Phan Hiển

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên