MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh.

Theo dự thảo, hằng năm, trường hợp tổng thu ngân sách trung ương tăng so với dự toán Quốc hội quyết định và thu ngân sách trung ương trên địa bàn tăng so với dự toán giao cho Thành phố, căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định mức th­ưởng và bổ sung có mục tiêu từ số tăng thu ngân sách trung ương theo quy định.

Hằng năm, tr­ường hợp số thực hiện thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ư­ơng và ngân sách thành phố tăng so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, ngân sách thành phố đư­ợc th­ưởng một phần, nhưng không quá 30% số tăng thu này và không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.

Hằng năm, Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương một phần không quá 70% tổng số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố còn lại (sau khi thực hiện thưởng v­ượt thu) và các khoản thu ngân sách trung ương hư­ởng 100% (không kể khoản thu: thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu; các khoản thu không giao Thành phố quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn mà chỉ hạch toán nộp ở TP. Hồ Chí Minh; các khoản hạch toán ghi thu, ghi chi và các khoản thu được để lại đơn vị chi quản lý qua ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật); số bổ sung có mục tiêu không cao hơn số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.

Dự thảo nêu rõ, việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.

Căn cứ vào mức th­ưởng và số bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, UBND thành phố báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố quyết định sử dụng để đầu tư­ xây dựng các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng; trả nợ các khoản vay đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và thư­ởng cho ngân sách cấp dư­ới.

Huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển

Theo dự thảo, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi khác của Chính phủ cho TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài nguồn vốn huy động cho các dự án, công trình thuộc đối tượng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách; đối với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có khả năng thu hồi vốn, UBND thành phố quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định việc huy động đầu tư theo các hình thức: BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành), BT (xây dựng - chuyển giao) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

UBND thành phố được quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại cho Thành phố không phụ thuộc vào quy mô viện trợ; riêng đối với các khoản viện trợ có liên quan đến tôn giáo, quốc phòng, an ninh, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; Chủ tịch UBND thành phố chịu trách nhiệm thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ này, thực hiện chế độ hạch toán, quyết toán theo đúng quy định của pháp luật; định kỳ báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư để theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo, UBND thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm tiếp tục củng cố và phát triển "Công ty đầu tư tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh" và các quỹ tài chính khác theo quy định của pháp luật để huy động sự tham gia đóng góp của các thành phần kinh tế, các tổ chức và cá nhân cho ngân sách thành phố, nhằm tăng cường khả năng thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển Thành phố.

Theo Tuệ Văn

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên