Dệt may hưởng lợi từ TPP: Trung Quốc hay Việt Nam?
Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc đã chuẩn bị để đón nhận những lợi ích từ TPP từ lâu, thì chính các doanh nghiệp Việt vẫn còn đang loay hoay tìm hướng đi.
Những "mưu tính" đã được báo trước
Theo báo cáo từ Bộ Công thương, năm 2014, toàn ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu 24,5 tỷ USD, tăng trên 19% so với năm 2013, là mức tăng lớn nhất trong 3 năm qua. Trong khối các nước xuất khẩu dệt may, Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất.
Với kết quả như vậy, ngành dệt Việt Nam được coi là "miền đất hứa" với các doanh nghiệp FDI. Theo thống kê, năm 2014 đã có gần 20 dự án FDI mới đầu tư vào lĩnh vực dệt may, trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kong. Quyết định chuyển hướng đầu tư vào dệt may Việt Nam được coi là một bước đi khôn ngoan của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong bối cảnh chi phí lao động tăng tại nước nhà, chính quyền xiết chặt quản lý quy định về môi trường, công nghệ khiến chi phí đầu tư tăng cao, điều đương nhiên là các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải tính đến chuyển sản xuất về những nơi có chi phí lao động thấp hơn và các điều kiện môi trường ít khắt khe hơn.
Trong khi đó, Việt Nam lại đang "giang rộng vòng tay" đón doanh nghiệp FDI với hàng loạt các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, trong khi giá nhân công của Việt Nam còn rẻ hơn rất nhiều so với Trung Quốc.
Đặc biệt, quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi đến những vòng cuối cùng. Một khi hoàn tất việc thương thảo với Mỹ và 9 quốc gia thành viên khác, Việt nam sẽ được hưởng mức thuế suất chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 0% so với mức 17% mà Mỹ đang áp đối với các sản phẩm may mặc xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đó, việc đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc có được giấy chứng nhận hàng "Made in Vietnam", từ đó, giúp các doanh nghiệp này hưởng mức thuế suất cực kỳ ưu đãi, thay vì mức thuế suất lên đến 37% khi vào thị trường Mỹ mà hàng "Made in China" hiện đang phải gánh chịu.
Doanh nghiệp nội có nguy cơ thua ngay trên sân nhà
Mặc dù nằm trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới, nhưng khối doanh nghiệp FDI lại chiếm đến 60% kim ngạch xuất khẩu. Đây là điều đáng buồn nhiều hơn là đáng vui bởi nó chứng tỏ một điều, dường như các doanh nghiệp nội đang bị lấn át ngay trên sân nhà.
Các doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc hầu hết đều là các doanh nghiệp lớn với vốn đầu tư cực khủng. Đơn cử như hồi cuối năm 2014, Tập đoàn TAL (Hong Kong) đã được Hải Dương chấp nhận đầu tư 200 triệu USD giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc.
Một liên doanh khác của Tập đoàn Haputex Development Limited (Hồng Kông) và Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương đã đầu tư 120 triệu USD xây dựng Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile Limited. Dự án rộng 12ha tập trung vào lĩnh vực dệt vải, sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2015.
Theo đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, nguy cơ mất dần nguồn nhân lực, đặc biệt lĩnh vực dệt-nhuộm. Bởi lẽ, doanh nghiệp Việt đang nằm trong thế xuất phát điểm thấp, vốn nhỏ, chính sách ưu đãi cho người lao động còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI này vào Việt Nam mang theo một nguồn vốn rất lớn, được đầu tư công nghệ tiên tiến cùng nhiều ưu đãi từ phía Chính phủ.
Trong khi các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đã có kế hoạch đầu tư hoặc mở rộng đầu tư từ vài năm trước để đón đầu TPP, thì các doanh nghiệp trong nước còn đang lúng túng chưa tìm được hướng đi cho mình.
Theo nguyên tắc, để được hưởng các ưu đãi thuế từ TPP, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ xuất xứ “từ sợi trở đi”, tức là từ sợi, vải, cắt - may tại các nước TPP. Tuy nhiên, tới gần 90% nguyên liệu ngành dệt may Việt Nam là nhập từ Trung Quốc, nước không thuộc TPP, do vậy, dù thuế nhập khẩu vào các nước TPP giảm xuống còn 0% thì Việt Nam cũng không được hưởng lợi gì.
Đây sẽ là sự nguy hại rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi các sản phẩm có thương hiệu từ Việt Nam “thật” sẽ không thể cạnh tranh xuất khẩu về giá so với các doanh nghiệp Trung Quốc.
>>>Dệt may đón đầu cơ hội
Theo TRẦN THÚY
Bizlive