MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may sắp đuổi kịp điện thoại về giá trị xuất khẩu?

Với đà tăng trưởng như hiện nay, cộng với cơ hội lớn từ thị trường, hàng dệt may Việt Nam sẽ còn tăng tốc và vươn lên dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong thời gian tới.

Số liệu thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy, với tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định như hiện nay, hàng dệt may sắp đuổi kịp ngành hàng điện thoại về giá trị xuất khẩu và hứa hẹn sẽ là ngành đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo báo cáo tình hình xuất nhập khẩu kỳ 1 tháng 9/2014 (từ 1/9-15/9) của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 892,3 triệu USD, trong khi đó, điện thoại các loại và linh kiện chỉ đạt 823,7 triệu USD.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/9, giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt gần 14,5 tỷ USD (chiếm 14,1% tổng kim ngạch xuất khẩu) và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 16 tỷ USD (chiếm 15,6% tổng kim ngạch) và tăng 13,2% so với cùng kỳ 2013. Hai mặt hàng chủ lực này đang đóng góp gần 30% vào tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Giá trị xuất khẩu 10 mặt hàng chủ đạo 9 tháng năm 2014

Trước đó, 8 tháng đầu năm 2014, điện thoại các loại và linh kiện có giá trị xuất khẩu đạt 15,2tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng dệt may đứng vị trí thứ hai khi đạt giá trị xuất khẩu 13,6 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Về tốc độ tăng trưởng, hiện nay nhóm hàng dệt may có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định, chỉ biến động theo xu hướng chung. 

Tốc độ tăng trưởng 9 tháng năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013 của 10 nhóm hàng XK chính

Về thị trường, sau 8 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 15,3%; sang EU đạt 2,21 tỷ USD, tăng 25,3%; sang Nhật Bản đạt 1,68 tỷ USD, tăng 11%; sang Hàn Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 39,8%. Nhìn chung, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang 4 thị trường lớn nhất chiếm tới 85,4% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường chính 8 tháng năm 2014

Một trong những lý do khiến cho kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may luôn tăng cao trong những năm gần đây là do hàng dệt may Việt Nam có vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế, ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả. Chi phí nhân công thấp và vị trí địa lý thuận lợi tại trung tâm Châu Á cũng là một trong những yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, trong thời gian sắp tới, ngành dệt may hứa hẹn sẽ tiếp tục đón thêm nhiều cơ hội lớn từ thị trường quốc tế khi Hiệp định TPP được ký kết. Theo đó, đoàn đàm phán Hiệp định TPP của Việt Nam đã đề nghị Mỹ giảm thuế xuất khẩu cho hàng dệt may và giày dép của Việt Nam xuất sang thị trường này. Như vậy, nếu như thỏa thuận này được thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Với đà tăng trưởng như hiện nay, cộng với cơ hội lớn từ thị trường, hàng dệt may Việt Nam sẽ còn tăng tốc và vươn lên dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong thời gian tới.

10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong 7 tháng đầu năm

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên