Điện lực, Hàng không, Dầu khí kiên trì là 'con nợ' lớn
Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2013 gửi đến Quốc hội cho thấy những căn bệnh trầm kha của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước vẫn chưa thuyên giảm.
Hoạt động chủ yếu nhờ vốn chiếm dụng, vốn vay
Tờ Vneconomy thông tin, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tính đến hết thời điểm 31/12/2012, 27 doanh nghiệp được kiểm toán có tổng tài sản, nguồn vốn là 1.609.959 tỷ đồng. Trong đó: nợ phải thu 177.517 tỷ đồng, chiếm 11,03% tổng tài sản.
Hàng tồn kho 108.636 tỷ đồng, chiếm 6,75% tổng tài sản. Nợ phải trả 912.865 tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng nguồn vốn và vốn chủ sở hữu 645.477,9 tỷ đồng.
Việc quản lý nợ chưa chặt chẽ đã từng được Kiểm toán nhà nước chỉ ra tại báo cáo kết quả kiểm toán trình Quốc hội tháng 5/2013 nay vẫn được nhắc lại.
Điều này đã dẫn đến nợ quá hạn, khó đòi lớn. Hàng loạt cái tên quen thuộc được điểm ở mục nợ quá hạn: Tổng công ty Điện lực dầu khí thuộc Petro Vietnam 9.650 tỷ đồng, Công ty mẹ 443,8 tỷ đồng. Công ty mẹ VNPT (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông) 2.314,2 tỷ đồng; Công ty mẹ TKV (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam) 325 tỷ đồng; Công ty mẹ Petro Vietnam 100,8 tỷ đồng; Vietnam Airlines 181,6 tỷ đồng...
Báo cáo kiểm toán cũng cho biết, nợ khó đòi của Petro Vietnam: Tổng công ty Đạm Phú Mỹ 119,29 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn thuộc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) 35,41 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Dầu khí Mê Kông thuộc PV Oil 22,6 tỷ đồng; TKV 269,5 tỷ đồng... và nhiều công ty khác nợ từ vài chục đến vài trăm tỷ.
Đáng chú ý, cơ quan kiểm toán còn chỉ ra một số khoản nợ trong nội bộ tập đoàn, giữa các tập đoàn với số tiền lớn, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, EVN nợ Petro Vietnam (Tổng công ty Điện lực Dầu khí ) 12.651 tỷ đồng, trong đó quá hạn từ năm 2011 là 9.650 tỷ đồng. Số dư nợ phải thu, phải trả của Công ty mẹ - EVN với các đơn vị trong EVN lớn, không quy định thời hạn thanh toán, việc thanh toán tiền điện của các công ty mua bán điện thuộc Công ty mẹ cho các nhà máy điện thường xuyên chậm.
Căn bệnh rất nặng là nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn chiếm dụng, vốn vay từng được Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh của báo năm trước nay vẫn xuất hiện tại báo cáo này.
Và hệ quả là hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt mức cho phép.
Nợ công khoảng 180 tỷ USD
Trong khi đó, con số công bố về nợ công của Việt Nam đang ở khoảng 90 tỷ USD nhưng thực chất, nếu tính cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước thì nợ công đang ở khoảng 180 tỷ USD. Số nợ này gấp khoảng 4 lần thu ngân sách của Việt Nam mỗi năm.
TS Phạm Thế Anh - trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội từng cho biết, theo tính toán, với 45 tỷ USD Việt Nam vay trong nước với lãi suất trung bình 10%/năm thì mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra khoảng 4-5 tỷ USD trả lãi.
Lúc 12h ngày 17/5, đồng hồ nợ công thế giới The global debt clock của tạp chí The Economist đã điểm nợ công của Việt Nam vượt con số 80 tỷ USD - Ảnh chụp từ màn hình |
Khoảng 45 tỷ USD vay nước ngoài, lãi suất trung bình 2,5%/năm thì mỗi năm cần trên 1 tỷ USD nữa trả lãi. Như vậy, chưa tính trả gốc, riêng tiền trả lãi trung bình đã cần khoảng 6 tỷ USD/năm.
Trong khi đó, lúc 12h ngày 17/5, đồng hồ nợ công thế giới The global debt clock của tạp chí The Economist đã điểm nợ công của Việt Nam vượt con số 80 tỷ USD, với tổng dư nợ cả năm tăng 11%, chiếm 47,8% GDP. Tính trên dân số 90,652 triệu người, mỗi người Việt hiện đang gánh trên vai trung bình 899,64 USD, tương đương gần 20 triệu đồng/người.
Chỉ tính từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2014, thống kê từ GDC cho thấy, nợ công Việt Nam đã tăng thêm tới 9,887 tỷ USD, tương đương trung bình gần 700 triệu USD/tháng, tăng thêm gần 100 USD/người.
Trả lời báo chí trước đó, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh cho biết, câu chuyện về nợ công hiện tại đang là một vấn đề rất lớn, không rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Bộ tài chính với tư cách cơ quan quản lý nợ công hay của Ngân hàng nhà nước là cơ quan gần như chuyên đi ký để vay nợ công, đó là vấn đề sử dụng nợ công.
Theo Hà Anh