MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bỏ lửng thị trường nông thôn

Thị trường nông thôn được đánh giá là rất tiềm năng cho doanh nghiệp phát triển mạng lưới phân phối hàng hoá, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn ít doanh nghiệp có hàng hóa trải rộng đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo một điều tra mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường AC.Nielsen, có đến 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, nhưng mức tiêu dùng của khu vực nông thôn mới chỉ chiếm 27% doanh số bán lẻ trên cả nước và hệ thống bán lẻ phục vụ họ hiện cũng chỉ chiếm 47% của cả nước.

Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cơ cấu tiêu dùng của vùng nông thôn được phân chia như sau: khoảng 50% tổng chi tiêu của người dân nông thôn là dành cho lương thực, thực phẩm; 5% dành cho may mặc; 15% dành cho tất cả đồ dùng gia đình khác; 15% dành cho y tế, giáo dục của con cái; 5% dành cho sửa chữa nhà, điện, nước, đi lại. Khoảng 10% còn lại dành cho giỗ chạp, giao tế xã hội...

Qua đây cho thể thấy, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng ở nông thôn là rất lớn, song ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam được xem là thành công nhất trong khai thác thị trường nông thôn, thì doanh số bán hàng của họ tại đây cũng mới chỉ chiếm từ 20 đến 25% tổng doanh số. Còn những doanh nghiệp khác đã có hàng bán ở nông thôn thì tỷ trọng thị trường nông thôn chỉ ở mức 10 đến 15%.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho biết, hiện chỉ có khoảng 10 đến 15 doanh nghiệp lớn (vốn trong nước hoặc 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) như Tân Hiệp Phát, Kinh Đô, Mỹ Hảo, Dược Hậu Giang, Vinamilk, Vina Acecook, Unilever, P&G, ICP, PepsiCo Việt Nam... là có hàng hóa trải rộng khắp đến các vùng nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa.

Nguyên nhân thành công của những doanh nghiệp trên được cho là hàng hóa có chất lượng ổn định, giá cả phải chăng, đa số có quảng cáo thường xuyên trên tivi, có mạng lưới phân phối rộng khắp và có sự giám sát, chăm sóc khách hàng tốt.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến thị trường nông thôn vẫn còn bị bỏ lửng?

Theo BSA, đó là do địa bàn nông thôn vốn trải rộng, khoảng cách giữa các khu dân cư xa xôi, sức mua yếu, trong khi thị hiếu mua hàng ở nông thôn tương đối khác với ở đô thị. Thêm vào đó, chi phí để thiết lập, duy trì mạng lưới phân phối khá lớn...

Những trở ngại trên dẫn đến phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có tâm lý ngại đưa hàng về nông thôn, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi chi phí đầu vào tăng cao do giá xăng dầu, điện... đều tăng.

Nhận thức được điều này, BSA đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường nông thôn bằng cách tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Mục đích là tiếp thị hàng Việt tốt, chính hãng đến tận tay nông dân, giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, qua đó có thể hiểu thị hiếu người tiêu dùng nông thôn, cải tiến sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường nông thôn... “Ngày 1/4/2010, BSA đã hoàn thành phiên chợ thứ 34 tại địa phương thứ 15 trên cả nước. 15 tỉnh, gồm các tỉnh ở cả 3 miền, chẳng hạn Bắc Giang, Thái Bình (ở miền Bắc); Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Nông (miền Trung và Tây Nguyên); An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Đồng Tháp... (ở miền Nam)”, bà Hạnh cho biết. Bên cạnh đó, còn có một hình thức mang tính “tuyên truyền, cổ động” đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Đó là hình thành các nhóm nhân sự được huấn luyện với các chế độ ưu đãi riêng, chuyên đi bán hàng ở nông thôn với xe cộ được thiết kế đặc biệt, để vừa vận chuyển, vừa là kho, điểm bán hàng. Đi kèm với đó là đồng phục, dù, quầy kệ, đèn, loa quảng bá chuyên dụng đối với hàng Việt.

Cũng theo bà Hạnh, lực lượng doanh nghiệp cùng với BSA tham gia đem hàng về nông thôn đang có xu hướng tăng. “Ban đầu chỉ có 13 doanh nghiệp tham gia, thì đến nay, đã có khá nhiều doanh nghiệp tham gia thường xuyên, trong đó 35 doanh nghiệp có bộ máy chuyên trách, có kế hoạch đầu tư nghiêm túc tại thị trường nông thôn. Điều này hứa hẹn sự chuyển biến tích cực của hàng Việt Nam trên thị trường nông thôn trong thời gian tới”, bà Hạnh cho biết thêm.

Theo Thanh Vũ

Báo Đầu tư

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên