Doanh nghiệp dệt may đón sóng TPP
Trong việc đầu tư nhằm đón sóng Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), để hưởng thuế nhập khẩu giảm xuống 0% khi Việt Nam tham gia Hiệp định, thì ít thấy thông tin về các doanh nghiệp nội.
Thống kê của Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho thấy, từ đầu năm đến nay có 54 lượt doanh nghiệp có vốn ngoại tăng vốn, với tổng số vốn đầu tư tăng hơn 530 triệu USD, trong đó có hàng chục dự án thuộc lĩnh vực dệt may.
Công ty TNHH Texhong Nhơn Trạch, một doanh nghiệp của Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư vào Đồng Nai từ năm 2006 với mục tiêu hoạt động là sản xuất sợi các loại. Sau nhiều lần thực hiện tăng vốn, tháng 3.2013, doanh nghiệp này quyết định tăng quy mô sản xuất sợi từ 11.000 tấn sản phẩm/năm lên 35.000 tấn sản phẩm/năm. Hiện công ty có năm xưởng sản xuất với tổng công suất thiết kế 41.000 tấn sản phẩm/năm…
Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Hàn Quốc) đầu tư nhà máy tại Đồng Nai năm 2007 sản xuất sợi vải mành, các loại sợi như: spandex, nylon, polyester; sản xuất các loại vải (không có công đoạn nhuộm) như nylon, polyester…. Vào tháng 4.2013, doanh nghiệp này cũng đã tăng quy mô sản xuất từ 13.300 tấn sản phẩm/tháng lên 14.200 tấn sản phẩm/tháng. Trước đó, vào tháng 4.2012, họ đã tăng vốn đầu tư hơn 141 triệu USD lên tổng mức vốn đầu tư đăng ký là hơn 892 triệu USD…
Hầu hết các doanh nghiệp dệt may thực hiện việc tăng vốn, mở rộng đầu tư trong năm nay là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Đơn cử, Công ty TNHH Texhong Nhơn Trạch trong mấy năm gần đây đều đạt lợi nhuận dương, riêng năm 2012, doanh thu của công ty là hơn 382 triệu USD, đạt 99% so với năm 2011. Trong khi đó, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam nhiều năm liền có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, riêng năm 2012, doanh thu của công ty là hơn 648 triệu USD, đạt 122% so với năm 2011…
Trong khi đó, các doanh nghiệp vốn nội thì ít thấy chuyển động.
Công ty Thiên Nam đã có bốn nhà máy sợi tại các KCN của tỉnh Bình Dương với tổng công suất gần 150.000 cọc, hàng năm cung ứng cho thị trường khoảng 25.000 tấn sợi các loại, trong đó xuất khẩu 80%; đạt tổng doanh thu khoảng 1.500 tỉ đồng và tạo việc làm ổn định cho hơn 1.600 lao động… Thông tin mới nhất được đưa ra là Thiên Nam đang đàm phán với một DN của Trung Quốc để liên doanh đầu tư nhà máy sản xuất các loại vải dệt thoi trị giá hơn 20 triệu USD.
Công ty dệt may Gia Định, dù đã lên kế hoạch xây dựng dự án Nhà máy sợi tại KCN Tân Tạo (TP.HCM) với tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỉ đồng. Nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là thiếu vốn đầu tư, công ty “tạm gác” kế hoạch tăng vốn, đó là chưa kể với năng lực sản xuất hiện có, công ty vẫn cần tiếp tục có thêm nguồn vốn để đầu tư cho thiết bị, công nghệ… để đảm bảo các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.
Không khó để nhận ra doanh nghiệp có vốn ngoại đang chiếm ưu thế trong cuộc đua đón sóng TPP. Do đó, nhiều chuyên gia trong ngành dệt may lo ngại doanh nghiệp nội, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tận dụng được cơ hội từ TPP. Ngoài vốn lớn, đầu tư vào nguyên liệu như dệt nhuộm có yêu cầu rất cao về công nghệ, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Sản xuất các loại vải cao cấp thì phải đầu tư lớn. Còn nếu sản xuất hàng trung bình thì không cạnh tranh nổi với vải Trung Quốc. Doanh nghiệp nếu không thay đổi ngay từ bây giờ, các sản phẩm dệt may của Việt Nam cũng không thể hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu vào các nước là thành viên TPP.
Theo HÀ TRẦN