MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp hiểu biết lơ mơ, nhưng đang hào hứng thái quá với TPP

Sự hứng khởi của doanh nghiệp với Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể tạo ra tâm lý chủ quan về một phép mầu mà TPP có thể mang đến.

Lo ngại trên được bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra khi nói về tâm lý của doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia TPP.

Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam biết về TPP nhiều nhất trong số các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Dẫn chứng từ số liệu điều tra của VCCI, khi có tới 68% DN được hỏi biết về TPP, và đa phần đều bày tỏ sự hứng khởi với Hiệp định này, song vị Giám đốc của VCCI lại bày tỏ nỗi lo lắng, băn khoăn.

Thực tế là, việc tham gia TPP hay các hiệp định thương mại tự do đều mang lại lợi ích lớn nhất cho Việt Nam đó là xuất khẩu. Nhưng cũng theo điều tra của VCCI thì những lợi ích từ xuất khẩu chủ yếu hiện nay đều mang lại cho DN FDI, song điều đáng ngạc nhiên là chỉ 35 – 40% DN FDI ủng hộ TPP, trong khi DN Việt Nam ít được hưởng lợi từ hoạt động này, lại có tỷ lệ ủng hộ lên tới 60%.

“Về mặt tinh thần có vẻ DN đã sẵn sang cho TPP. Song sự hứng khởi của DN lại tạo tâm lý chủ quan rằng gia nhập TPP như một phép thần kỳ nào đó làm thay đổi nền kinh tế. Cho dù sự hứng khởi không giống nhau, có những ngành lo lắng hơn” – Bà Trang lo lắng.

Những băn khoăn của vị chuyên gia nhiều năm gắn bó với DN trong hội nhập WTO không phải là không có cơ sở. Dẫn ra một điều tra vào cuối năm ngoái liên quan đến FTA Việt Nam – EU, khi được hỏi DN đã sẵn sàng gì cho hội nhập, có khoảng 5 – 7% DN nói rằng không chuẩn bị gì cả. Lý do được DN đưa ra là vì khi gia nhập WTO, dù không chuẩn bị gì nhưng vẫn… sống sót.

“Nhiều DN có quan điểm sống được qua các FTA trước thì có thể sống được với TPP. Nhưng TPP khác so với các FTA trước đây. Bài học mà chúng ta thấy rõ là đã để tuột mất 70% cơ hội tận dụng ưu đãi để hưởng thuế quan” – Bà Trang nói.

Sự lạc quan thái quá càng khiến Giám đốc Trung tâm WTO tỏ ra lo lắng khi nhìn vào năng lực cạnh tranh của DN – vốn đang chịu nhiều tác động bởi yếu tố bên ngoài. Theo bà Trang, ngay cả những cam kết trong TPP cũng sẽ là một yếu tố ảnh hưởng lớn tới sự thành công của DN; yếu tố thực thi, các cam kết mới và khó nắm bắt… sẽ là những vấn đề lớn mà DN phải đối mặt khi TPP có hiệu lực.

Bên cạnh đó, những vấn đề về thể chế và môi trường kinh doanh cũng đang là vấn đề lớn khi tham gia TPP. Bà Trang đặt câu hỏi: “Chúng ta đã thực sự có môi trường cạnh tranh chưa? Tại sao giá xăng giảm mà giá vận tải không giảm? Có thực sự công bằng chưa hay vẫn có ưu tiên trong chính sách, như ưu đãi DN FDI hơn DN trong nước”.

Kết luận lại, vị chuyên gia của VCCI cho rằng có lẽ chưa có một sự sẵn sàng trong TPP? Bởi vậy mà Nhà nước cần có sự cởi mở với DN, có sự quan tâm thực sự và có vai trò cầu nối tới DN đến các hiệp hội và phòng thương mại để giúp DN nâng cao năng lực, kỹ năng và nguồn lực để cạnh tranh….

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên