MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát động khởi nghiệp nhưng không chừng chỉ vài ngôi sao nổi rồi tắt lịm

“Những hạn chế của bộ máy và con người ở các cấp không những không hỗ trợ mà còn cản trở doanh nghiệp trong TPP. Đó là nhân tố về mặt vĩ mô tôi rất lo và có không ít lần đã nói thẳng với Nhà nước về những lo lắng này”.

Một lần nữa, chuyên gia kinh doanh hàng đầu – người từng nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp (DN) – bà Phạm Chi Lan đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về thực trạng và chính sách hỗ trợ DN trong hội nhập, đặc biệt khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết.

Theo bà Chi Lan, những thách thức về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và rào cản về môi trường kinh doanh sẽ là những vấn đề đặt ra khi TPP được thực thi. Bởi hiện nay, năng lực cạnh tranh của Việt Nam được đánh giá là thấp nhất trong TPP, mức độ phát triển doanh nghiệp có sự chênh lệch rất lớn so với các nước trong TPP…

Khả năng DN bị lấn sân nhà đang tăng lên rõ rệt

Trình độ quản lý của doanh nghiệp cũng khá thấp, đa phần chỉ dừng lại ở quy mô công ty gia đình. Trình độ lao động, năng suất của khu vực DN bao gồm cả DN Nhà nước và tư nhân đều thấp. Quy mô DN đa phần là nhỏ chiếm tới 96%, trong khi DN siêu nhỏ chiếm 70% với mức độ cạnh tranh rất hạn chế. Đặc biệt, chỉ có 21% DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Thách thức cạnh tranh với DN đang tăng lên hàng ngày dù TPP chưa có hiệu lực. Khả năng bị lấn sân nhà của DN Việt Nam tăng lên rõ rệt, trên mọi mảng thị trường, từ nhiều đối thủ. Đơn cử như ngành xuất khẩu gạo dù đang tăng nhưng giờ đã thua Campuchia về chất lượng. Tới đây Lào, Myanmar sẽ nhảy vào xuất gạo, không cẩn thận Việt Nam có thể thua” – bà Chi Lan dẫn chứng.

Trong khi năng lực cạnh tranh của DN còn hạn chế, thì môi trường kinh doanh hiện nay cũng chưa tạo ra một sân chơi bình đẳng. Theo đánh giá của bà Chi Lan, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không được chăm chút, trong khi các DN FDI, DN Nhà nước luôn được ưu đãi lớn từ Chính phủ, nên tốc độ đào thải DN nhỏ và vừa thời gian qua là hệ quả thấy rõ.

Nhiều vấn đề về luật pháp và chính sách còn nhiều hạn chế, thiếu tình minh bạch và dự báo, tạo gánh nặng cho DN. Đơn cử như nhiều loại thuế, phí đè nặng, chiếm tới 40% tổng lợi nhuận; các loại quỹ; chi phí thời gian, tham nhũng… khiến chi phí kinh doanh của DN luôn ở mức cao.

Phải giúp DN tiếp cận thông tin

Hoặc ngay với cả cộng đồng khởi nghiệp, là những DN cần nhiều nhất chính sách hỗ trợ thì bà Chi Lan lo ngại rằng, cũng khó có được những cơ chế khuyến khích cộng đồng này. Cho dù hiện nay, Nhà nước đang kêu gọi khởi nghiệp, đưa ra chính sách nhưng việc thực thi kém có thể khiến cho chính sách thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp chỉ mang tính phong trào.

“Tôi lo sợ việc kêu gọi này chỉ theo kiểu phong trào. Bởi nếu không cải thiện, tạo điều kiện cho cộng đồng khởi nghiệp thì những ngôi sao này sẽ tồn tại rất ngắn trên bầu trời, sau đó lại tắt lịm” – chuyên gia Chi Lan tỏ ra lo lắng.

Sức nóng của TPP đã cận kề, nên trong bối cảnh hiện nay việc hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Theo đó, bà Chi Lan cho rằng cần phải giúp DN tiếp cận thông tin; đưa ra các nghiên cứu đánh giá dự báo về từng thị trường, sản phẩm, ngành hàng.

“Nội dung của TPP là rất phức tạp, nhiều thông tin nên để DN có thể tiếp cận, cần câp nhập thông tin về những biến động lớn có thể tác động tới thị trường; thông tin sâu cho các DN có nhu cầu phải được cung cấp về ngành hàng, sản phẩm…” – bà Chi Lan nói.

Ngoài ra, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ quản trị chuyên nghiệp; nâng cao năng lực liên kết, phát triển các kênh đào tạo chuyên sâu cho DN vừa và nhỏ; nâng cao hỗ trợ năng lực DN trong vận động chính sách.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên