MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp lạc quan, nền kinh tế... chưa thể

Nhiều Doanh nghiệp đánh giá, đánh giá triển vọng kinh tế đã tốt hơn và Việt Nam vẫn có lợi thế trong việc cung cấp lao động có sức cạnh tranh.

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng doanh nghiệp (DN) tỏ ra lạc quan hơn khi môi trường, triển vọng kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, đứng trên giác độ vĩ mô, xét tổng thể nền kinh tế không khỏi khiến người ta lo ngại khi mà 3 trụ cột quyết định đến chất lượng tăng trưởng đều khá yếu.

DN lạc quan

Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2013 với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới công bố sáng 8/4.

Báo cáo cho thấy, các yếu tố tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh năm 2013 có xu thế cải thiện rõ rệt, đạt 17 điểm, trong khi chỉ số này của năm 2012 chỉ đạt 6 điểm. Đó là, các yếu tố về tiếp cận thị trường công nghệ, điều kiện hạ tầng giao thông và yếu tố về cấp đất, giải phóng mặt bằng mở rộng sản xuất. Đặc biệt, yếu tố về tiện ích cơ sở hạ tầng được cải thiện hơn nhiều mức DN dự cảm.

Bên cạnh đó, các vấn đề chính sách và điều hành vĩ mô trong năm 2013 (thể hiện ở chỉ số tổng thể môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô) cũng được đánh giá đã được cải thiện đáng kể so với năm 2012.

Theo đánh giá của cộng đồng DN, chất lượng của quy định pháp lý, hiệu lực thực thi chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới DN, thái độ và ý thức trách nhiệm của cán bộ công quyền, sự ổn định của môi trường pháp lý và điều hành kinh tế... đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, trong năm 2013, mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng không được cải thiện nhiều. Nguyên nhân chính được đưa ra chủ yếu là do các DN không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định.

Nhìn chung là các DN tỏ ra khá lạc quan về môi trường và triển vọng kinh doanh. Nhiều DN đánh giá, đánh giá triển vọng kinh tế đã tốt hơn và Việt Nam vẫn có lợi thế trong việc cung cấp lao động có sức cạnh tranh.

Cũng bởi vậy nên có tới 42,5% DN được khảo sát cho biết có thể mở rộng quy mô kinh doanh trong năm 2014; 50,7% DN có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh; trong khi chỉ có 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh và 0,1% doanh nghiệp có thể sẽ phải tạm dừng hoạt động.

Với những doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh Các doanh nghiệp cũng tập trung thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp để hoạt động hiệu quả hơn.

Nền kinh tế thì chưa

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, Báo cáo thường niên năm nay được thực hiện qua việc tiếp cận và phân tích sự phát triển của DN từ ba góc nhìn chính gồm: cơ cấu kinh tế, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động ở các cấp độ DN, ngành, khu vực kinh tế và của toàn bộ nền kinh tế. Đây là ba trụ cột quan trọng quyết định đến chất lượng tăng trưởng.

Mặc dù giai đoạn từ năm 2012 đến nay, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại sau giai đoạn suy giảm, song tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực cũng như tiềm năng tăng trưởng của đất nước.

Theo các tác giả của Báo cáo, nguyên nhân sâu xa là do năng suất lao động gia tăng chậm, trong khi hiệu quả đầu tư lại giảm sút. Một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả đầu tư lại giảm sút là do cơ cấu đầu tư còn nhiều bất cập khi mà đầu tư công vẫn chiếm tỷ trọng cao song tiến trình tái cơ cấu của khối này lại còn nhiều hạn chế…

Vì lẽ đó, xuất khẩu đã trở thành yếu tố đóng góp tích cực nhất cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam (tỷ trọng xuất khẩu/GDP đã tăng từ mức 47% tại năm 2002 lên 77,7% trong năm 20130, tuy nhiên giá trị gia tăng mang lại từ việc xuất khẩu lại không được cải thiện nhiều; tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng, từ dưới 50% trong những năm 2000-2002 lên 61,4% năm 2013.

Chất lượng hoạt động của DN - những hạt nhân của nền kinh tế cũng có nhiều biểu hiện đáng lo ngại. Đơn cử, tốc độ tăng trưởng về số DN hoạt động, sau khi tăng mạnh trong năm 2008 bắt đầu có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân do lượng DN gặp khó khăn phải rời bỏ thị trường tăng mạnh trong mấy năm gần đây.

Một điểm rất đáng chú ý mà Báo cáo chỉ ra là Quy mô DN đang có xu hướng nhỏ đi khi mà xét về quy mô vốn tỷ trọng các DN nhỏ và siêu nhỏ đã tăng từ mức 24% trong năm 2007 lên 34,5% trong năm 2012; ngược lại tỷ trọng DN lớn lại giảm về còn 58,2% trong năm 2012 từ mức 69,7% của năm 2007.

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Từ thực trạng trên, Báo cáo đã đưa ra một số kiến nghị giải pháp.Thứ nhất là,Chính phủ cần ưu tiên cần thiết lập cơ cấu kinh tế ngành, vùng phù hợp phục vụ mục tiêu hiệu quả kinh doanh và phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương và của quốc gia.

Muốn vậy, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các TCTD, tái cơ cấu DNNN.

Riêng về tái cơ cấu DNNN, cần xác lập sứ mệnh mới của các DNNN, thực hiện vai trò dẫn dắt của DNNN thông qua tái cấu trúc DN. Tuy nhiên, việc cải cách DNNN phải đồng thời phát huy tính linh hoạt, sự dẻo dai của các DNNVV vốn là đặc trưng của khu vực DN ngoài Nhà nước đồng thời giảm bớt sự “lấn sân” của các DNNN.

Thứ hai,cần xây dựng các thể chế, định chế để khuyến khích và định hướng đầu tư theo tín hiệu của thị trường. Theo đó phải đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và xâm nhập vào chuỗi giá trị chứ không chỉ là xuất khẩu vào từng nước riêng lẻ. Đồng thời, Mở rộng thị trường nội địa, hình thành chuỗi cung ngay trên thị trường trong nước. Đặc biệt phải tạo lập thị trường cạnh tranh, kiểm soát độc quyền tự nhiên.

Chính sách thương mại phải đặt trong tổng thể chiến lược hội nhập, kết hợp yêu cầu thuận lợi hóa thương mại với chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và điều tiết thị trường phù hợp với các định chế hội nhập.

Thứ ba,tăng hàm lượng KHCN và giá trị nội địa.Thứ tư,lựa chọn một số ngành có lợi thế cạnh tranh để ưu tiên phát triển, tập trung phát triển một số DN có hiệu quả kinh doanh, có quy mô từ cỡ trung bình trở lên.Cuối cùngcần đổi mới cách tiếp cận trong quy hoạch phát triển kinh tế vùng/địa phương

Các chuyên gia cũng đưa ra một số gợi ý đối với DN như: Quan tâm hơn và thường xuyên cập nhật các chính sách của Chính phủ; Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc DN; Nâng cao năng lực quản trị rủi ro; Tăng cường năng lực hấp thụ nguồn vốn đầu tư bằng việc có chiến lược kinh doanh, chiến lược tiếp thị rõ ràng; Tăng cường tính liên kết trong kinh doanh...

Theo P.Linh

thunm

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên