MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp “lót tay” công chức: Tại anh, tại ả…

Sống còn của doanh nghiệp chính là “nói không với phong bì” và không tạo lãnh địa cho tham nhũng có mầm mống phát triển

Công bố của Thanh tra Chính phủ và ngân hàng thế giới (WB) nghiên cứu trong năm 2012 chỉ ra rằng, 30% số trường hợp doanh nghiệp đưa hối lộ là do công chức gợi ý, nhũng nhiễu; còn lại 70% số trường hợp đưa hối lộ là do doanh nghiệp chủ động thực hiện. 

Con số này vô hình chung chứng minh rằng hầu hết doanh nghiệp đều phải “lót tay” những người có chức, có quyền dưới hình thức này hay hình thức khác để tồn tại. 

Cũng không úp mở gì khi chính ông Trần Đức Lượng, Phó Thanh tra Chính phủ trả lời báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội khẳng định: các doanh nghiệp phải chi những khoản phí không chính thức chiếm khoảng 5% tổng chi phí.

Còn trong Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 (PCI 2012), con số “bôi trơn” mà doanh nghiệp phải chi trả là 6,4%.

Điều đáng nói là chi phí không chính thức này đã tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nước ta có khoảng 400.000 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động, thử hình dung xem 5% chi phí của 400.000 doanh nghiệp này sẽ là con số khổng lồ thế nào?

Tất nhiên, không thể phủ nhận những tiến bộ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, những “kết quả quan trọng” trong công tác phòng chống tham nhũng theo báo cáo của Tổng Thanh tra nhà nước. 

Tuy nhiên, nếu so sánh con số tiết kiệm, thu hồi lãng phí, hối lộ, tham nhũng hơn 6.000 tỷ đồng từ các địa phương, và tính cả khối cơ quan trung ương, Bộ ngành là gần 16.000 tỷ đồng thì cũng chưa thấm tháp gì so với vài vụ án tham nhũng lớn, và đương nhiên chẳng là gì so với con số “đi đêm” theo kiểu “lót tay” hay hối lộ.

Nói như vậy để thấy rằng, nạn tham nhũng, lãng phí, hối lộ là thứ giặc “nội xâm” nguy hiểm đến nhường nào.

Quay trở lại với việc chi phí 5% “bôi trơn” này có giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn hay không thì câu trả lời là không. Khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới cho thấy, phần lớn doanh nghiệp thấy mệt mỏi và cho rằng không hề mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

PCI năm 2012 cũng cho thấy, có đến 41% doanh nghiệp phải trả hoa hồng cho cán bộ nhà nước để đảm bảo giành được hợp đồng, tăng rất nhiều so với mức 23% của năm 2011. Ai cũng hiểu rằng phía sau những dự án hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng kia là câu chuyện “phần trăm” của những cá nhân có chức, có quyền. Mà khoản “lại quả” nào cũng to, cũng nặng khiến doanh nghiệp…oải.

Vậy nghịch lý là tai sao doanh nghiệp lại chủ động đưa hối hộ? Yếu tố chủ động này thực chất là ở thế bị động, ở thế “buộc” doanh nghiệp phải chủ động mà thôi!

Thẳng thắn nhìn nhận để thấy rằng do thể chế kinh tế của chúng ta chưa minh bạch, chưa kiện toàn nên môi trường kinh doanh vì thế thiếu bình đẳng. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và quan chức nhiều khi có thể làm méo mó chính sách.

 Những cái bắt tay không bình thường trong quan hệ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của cả một ngành, thậm chí cả một hệ thống.

Khách quan mà nói công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp cũng do sơ hở trong cơ chế điều hành sản xuất kinh doanh. Song về phía doanh nghiệp, đương nhiên cũng không phải hối lộ nếu bản thân doanh nghiệp không sai sót, vi phạm.

Có thể lấy ví dụ, người tham gia giao thông chủ động đưa hối lộ thì phần lớn là do có vi phạm luật giao thông. Doanh nghiệp cũng vậy, nếu tuân thủ pháp luật, làm đúng quy định, doanh nghiệp sẽ không lo gặp phải sự nhũng nhiễu, gây phiền hà của những người có chức năng. Vì vậy, việc “bôi trơn”, “lót tay”, “chạy chọt” đều xuất phát từ hai phía và khi có cơ hội, kẽ hở, lại như căn bệnh truyền nhiễm tiếp tục phát tác.

Cho nên, thể chế càng tốt, tham nhũng càng giảm. Doanh nghiệp muốn tiết giảm những chi phí “ngoài luồng” thì nội bộ doanh nghiệp phải đảm bảo sự minh bạch, công khai, tuân thủ pháp luật, xây dựng đạo đức kinh doanh. Một bộ quy tắc ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp, quan hệ ứng xử của các doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước và với các doanh nghiệp với nhau phải được xây dựng rõ ràng, đúng nguyên tắc.

Tham nhũng là một nguy cơ làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, sống còn của doanh nghiệp chính là “nói không với phong bì” và không tạo lãnh địa cho tham nhũng có mầm mống phát triển.

Cuộc chiến chống tham nhũng cũng chính là kiện toàn thể chế kinh tế làm sao thật chặt chẽ, công khai, minh bạch để các cơ quan chức năng, những người có chức, có quyền không có điều kiện tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng./.

Theo Tuyết Yến

cucpth

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên