Doanh nghiệp sẽ lên đường cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương đi ký kết TPP
Ngày mai (30/1), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ chính thức lên đường sang New Zealand, dẫn đầu đoàn ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp.
- 29-01-2016Dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm” của TPP
- 27-01-2016Hiệp định TPP sẽ chính thức được ký kết vào ngày 4/2/2016
- 27-01-2016Tại sao Việt Nam lại chọn TPP?
Đó là thông tin được ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, năm 2015 là năm thành công của Đảng và Nhà nước, Chính phủ trong hội nhập và một trong những hiệp định rất quan trọng, rất kỳ công mà Việt Nam tham gia, đó là Hiệp định TPP.
“Các nước đều có sự đánh giá là Việt Nam rất thành công trong hội nhập mà trực tiếp là Hiệp định TPP” – Thứ trưởng đánh giá.
Cũng theo Thứ trưởng, sau khi việc đàm phán được kết thúc, Bộ Công Thương đã báo cáo các cấp, và được sự cho phép của Bộ Chính trị. Theo chương trình ký kết sẽ diễn ra ngày 4/2 tới đây, Thứ trưởng Hải cho biết sáng mai đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ dẫn dầu đoàn sang Australia và New Zealand không chỉ để tham gia ký kết Hiệp định TPP và đẩy mạnh hợp tác với các nước này.
Một thông tin đáng chú ý cũng được Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra, trong đoàn đi cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương còn có nhiều đơn vị là các doanh nghiệp Việt Nam. Đây được đánh giá là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định TPP, do đó Thứ trưởng Hải cho rằng các doanh nghiệp rất là hào hứng và quan tâm đến thông tin ký kết TPP.
Cũng liên quan đến câu hỏi việc trước khi ký kết, nội dung đàm phán TPP có sự thay đổi hay không? Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết những nội dung mà Việt Nam đã đàm phán, những thỏa thuận mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân mà đoàn đàm phán đã nỗ lực trong suốt thời gian qua vẫn được giữ vững và không có sự thay đổi.
Việc ký kết Hiệp định TPP là quan trọng, song theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, công việc tiếp theo của Chính phủ, các bộ ngành là làm thế nào để nhiều doanh nghiệp và người dân biết được nội dung có liên quan đến TPP và tận dụng lợi thế, để có biện pháp ứng phó, hạn chế thấp nhất những điểm chưa phải là lợi thế của Việt Nam.
“Đây là việc quan trọng, cần phải đẩy mạnh trong tuyên truyền lợi thế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, trong đó có TPP và tập trung giúp các đối tượng để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tác động chưa tốt đến nền kinh tế Việt Nam” – Thứ trưởng nói.