Doanh nghiệp sữa kêu cứu bị truy thu thuế: Tổng cục Hải quan nói gì?
Thừa nhận còn có những bất cập trong việc phân loại các mã hàng liên quan đến sản phẩm sữa, đại diện của Tổng cục Hải quan cho rằng đây là nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp đang có sự hiểu sai về vấn đề này.
- 14-11-2015Các cục thuế “đốc thúc” thu 15.000 tỷ đồng nợ thuế
- 12-11-2015Ngành Hải quan lập 3 đoàn công tác đốc thu nợ thuế
- 12-11-2015Cục Thuế TP.HCM “bêu tên” 31 doanh nghiệp nợ thuế
Trả lời phỏng vấn riêng với chúng tôi, ông Dương Phú Đông – Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng đơn kiến nghị của 8 doanh nghiệp trong ngành sữa chỉ là phản ánh ý kiến một chiều của doanh nghiệp.
Có nghĩa, quan điểm của các doanh nghiệp về hai mặt hàng này lại là một, chỉ khác về tên gọi. Dẫn đến, khi khai báo hải quan thì các doanh nghiệp đều khai cùng một mặt hàng là chất béo của bơ để được hưởng mức thuế suất là 5%.
Bất cập quy định, doanh nghiệp hiểu sai?
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thì quy định của biểu thuế Việt Nam về hai mặt hàng này, đều thuộc hai dòng thuế khác nhau. Có nghĩa, quy định trong danh mục sản phẩm mà các doanh nghiệp nhập khẩu được phân ra làm hai loại: chất béo của bơ và chất béo của sữa.
“Cũng có thể doanh nghiệp nhập chất béo bơ, hoặc cũng có doanh nghiệp nhập chất béo của sữa, nhưng đại đa số là nhập chất béo của sữa. Với vấn đề phức tạp như vậy nên hải quan các địa phương không thể phát hiện ngay được trong thông quan, đặc biệt là thông quan luồng xanh. Song đây là hai mặt hàng khác nhau chứ không phải là cùng một mặt hàng nên áp mức thuế khác nhau. ” – ông Đông nói.
Do đó, trong quá trình triển khai công tác nghiệp vụ và rà soát lại hoạt động thuế, ông Đông cho biết Tổng cục Hải quan cùng các bộ phận chuyên môn đã họp và thấy có dấu hiệu chưa chuẩn xác trong việc thu thuế đối với hai sản phẩm này.
Đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan nói: “Chúng tôi đã đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, nếu xác định các hồ sơ hải quan và các tài liệu liên quan kèm theo đúng là chất béo của sữa thì sẽ áp mức thuế là 15%”.
Quan điểm của cơ quan hải quan hoàn toàn trái ngược với quan điểm của các doanh nghiệp ngành sữa đưa ra trước đó, khi cho rằng bản chất mặt hàng này có tên thương mại là Anhydrous milk fat hoặc cách gọi khác là Anhydrous butter fat.
Theo đó, tên gọi hai sản phẩm này được quy định rõ trong Quy chuẩn Codex của Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế mà Việt Nam là thành viên cấp Chính phủ, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Việt Nam (QCVN 5-4:2010/BTY), Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN 8434:2010), khẳng định chất béo của bơ hay chất béo của sữa là như nhau.
Bên cạnh đó, từ trước đến nay cơ quan Hải quan cũng đã lấy mẫu hàng hóa, gửi đi phân tích tại các Trung tâm phân tích trong ngành Hải quan/ hoặc các cơ quan chuyên môn của ngành để xác định bản chất và thành phần cấu tạo của sản phẩm. Tất cả kết quả đề chứng nhận và xác định mặt hàng này có mã số 0405.90.10 với mức thuế suất 5%.
Do đó, các doanh nghiệp cho rằng việc cơ quan hải quan truy thu thuế mang tính áp đặt là hoàn toàn không có căn cứ nên đã gửi văn bản kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng bộ tài chính phản đối việc áp dụng mã số không có căn cứ với mặt hàng này.
Về vấn đề này, đại diện của cơ quan hải quan cũng thừa nhận hiện nay đang còn những bất cập trong kết quả phân tích phân loại các sản phẩm mà hải quan thực hiện. Dẫn đến, các doanh nghiệp đã vận dụng và khai báo hải quan cho sản phẩm có mức thuế thấp nhất và “lấy cớ” này để có kiến nghị với cơ quan chức năng.
“Các sản phẩm được phân loại dựa trên kết quả phân tích phân loại của một trung tâm thuộc tổng cục. Song việc phân tích phân loại cũng xảy ra vấn đề là, việc phân tích phân loại có kết quả khác nhau, lúc thì mặt hàng này bảo chất béo của bơ, lúc thì mặt hàng này bảo là chất béo của sữa” – ông Đông chỉ rõ.
Vẫn sẽ truy thu vì ngân sách khó khăn?
Song theo ông Đông, mỗi kết quả phân tích phân loại cũng chỉ đại diện cho một mẫu hàng chứ không phải là kết quả phân tích phân loại của tất cả các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải thực theo quy định của biểu thuế chứ không phải kết quả phân tích phân loại cho một mẫu hàng mà doanh nghiệp đưa ra.
Cục Hải quan sau thông quan cũng cho biết, hiện nay Tổng cục Hải quan đã báo cáo vấn đề này lên lãnh đạo Bộ Tài chính. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, thì trong vòng một vài ngày tới lãnh đạo bộ sẽ nhóm họp và có xem xét để thấu tình đạt lý.
Theo đó, đối với vấn đề trách nhiệm của Tổng cục Hải quan liên quan đến việc chưa có sự phân loại rõ ràng khiến cho doanh nghiệp hiểu sai và vận dụng sai, ông Đông cho biết trách nhiệm của đơn vị nào thì Tổng cục sẽ xem xét chỉ đạo.
Tuy nhiên, đặt trong điều kiện ngân sách đang khó khăn như hiện nay, số thu đang rất thấp, và ngành hải quan là cơ quan thu thuế nên ông Đông khẳng định, sẽ phải thực hiện theo đúng quy định. Theo đó, sẽ phản ánh đúng những vướng mắc kiến nghị của doanh nghiệp để làm cơ sở quyết định, song việc thu thuế vẫn thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Dự tính, khoản tiền truy thu thuế các doanh nghiệp ngành sữa nếu được thực hiện có thể là khoảng 700 tỷ đồng chứ không tới 1.000 tỷ đồng như những thông tin trước đó.