MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp và quyền được biết nợ thuế

Hiện DN không thể lên mạng tra cứu được sổ nợ. Muốn biết có nợ hay không phải lên trực tiếp cơ quan thuế để nhờ cán bộ thuế kiểm tra giúp,

Sau vụ hàng loạt doanh nghiệp (DN) tên tuổi như Nguyễn Kim, Him Lam, Thế Giới Di Động, Cityland... bỗng dưng bị bêu tên nợ thuế, nhiều DN nơm nớp lo sợ một ngày nào đó tên DN mình cũng bị liệt vào “bảng phong thần” vì có nợ mà không biết.

Nỗi lo này là có thật vì hiện DN không thể lên mạng tra cứu được sổ nợ. Muốn biết có nợ hay không chỉ còn cách lên trực tiếp cơ quan thuế. Nếu quen biết, DN có thể nhờ cán bộ thuế kiểm tra giúp, còn theo đúng nguyên tắc DN phải làm công văn xin xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ nợ thuế. Khi đó, nếu DN có nợ, cơ quan thuế sẽ liệt kê cho DN biết đang nợ khoản nào.

Một DN tại quận 6 (TP.HCM) cho biết có mở một nhà hàng tại quận Tân Phú, đã nộp thuế đầy đủ nhưng vừa qua khi xin tạm ngưng kinh doanh, DN mới té ngửa là... đang nợ thuế. DN thắc mắc, cơ quan thuế giải thích là dù nhà hàng hạch toán phụ thuộc, nhưng theo quy định, kinh doanh ở địa phương nào thì khai thuế ở địa phương đó.

DN không biết nên đã kê khai, nộp thuế GTGT và thuế môn bài tại quận 6, nơi công ty đặt trụ sở chính. Rốt cuộc, công ty nộp dư thuế nhưng chi nhánh lại thiếu thuế. “DN không thể biết được vì cơ quan thuế không thông báo, đến khi làm hồ sơ tạm ngưng mới biết dù đã nộp thuế từ tháng 1” - chủ DN này nói.

Cũng theo chủ DN này, thực tế cho thấy việc thiết lập một kênh để DN có thể tự mình tra cứu nợ thuế là hết sức cần thiết để DN kiểm tra xem số liệu nợ thuế có chính xác hay không. Nếu đúng DN chủ động nộp, ngược lại thì tự liên hệ cơ quan thuế để đối chiếu.Doan

Còn hiện nay do không thể tự mình tra cứu nợ, nhiều DN sau khi đóng thuế xong cứ yên tâm mình đã hoàn thành nghĩa vụ nợ thuế nhưng thực tế thì không phải. Nhiều trường hợp nộp sai, tiền vào tài khoản tạm giữ, còn cơ quan thuế vẫn ghi nợ cho DN. DN không biết, cơ quan thuế cũng không thông báo, có trường hợp khi cơ quan gửi giấy báo tính tiền lãi chậm nộp mới biết.

Nhu cầu cần tra cứu để biết nợ thuế của DN là bức bách. Gần đây, nhiều DN đã mừng hụt khi thấy trong phần mềm nộp thuế điện tử có mục “xem sổ nợ”, nhưng khi DN nhấn vào thì không có bất kỳ dữ liệu nào.

Trước đó, cũng một lần DN mừng hụt khi cơ quan thuế đưa ra sáng kiến kios thuế, nhưng DN đăng ký xong thì lại rơi vào im lặng vì cơ quan thuế không triển khai tiếp.

Nhiều DN nói họ cũng hiểu cái khó của cơ quan thuế là số liệu nợ thuế sai lệch rất lớn, nếu công khai sẽ gây ảnh hưởng ghê gớm. Với 145.000 DN trên địa bàn TP.HCM, chỉ cần 20% DN bị sai đồng loạt lên xin điều chỉnh, cơ quan thuế làm không xuể.

Do vậy khi chưa làm sạch được nợ thuế, cơ quan thuế chưa dám công bố. Thế nhưng, không ai có thể trả lời rằng khi nào mới “làm sạch” được nợ thuế, nhất là khi không có bất kỳ sự công khai nào cho DN biết để chủ động đối chiếu.

Cơ quan thuế luôn hô hào cải cách thủ tục hành chính thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, lẽ ra nên bắt đầu ngay từ khâu công bố nợ thuế, sao cho tạo sự công bằng, minh bạch giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.

Việc này dù khó nhưng phải làm nhằm tránh tình trạng mỗi lần cơ quan thuế công bố danh sách DN nợ, hàng loạt DN lại khiếu nại sai, rồi tìm biện pháp “chữa cháy”, không những ảnh hưởng uy tín của DN mà cả cơ quan thuế.

 

Theo Ảnh Hồng

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên