MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt giảm phụ thuộc Trung Quốc, đón TPP

Hiệp định TPP sắp tới cùng với hoạt động thương mại Việt - Trung bị ảnh hưởng trong thời gian vừa qua khiến các doanh nghiệp Việt phải đánh giá lại chiến lược kinh doanh.

Chuyến tàu từ biên giới Việt – Trung đến một nhà ga ở Hà Nội lúc rạng sáng với những hàng hóa từ nhiều năm nay vẫn được buôn bán ở nơi được cho là chợ bán buôn sôi động nhất Hà Thành. Tuy nhiên, dường như lần này hàng hóa không nhiều như trước. Đám đông những người đi buôn đợi lấy hàng cũng không lớn như trước. Họ nói rằng hàng hóa Trung Quốc ngày càng ít được ưa chuộng. 

Một chủ cửa hàng chuyên bán đồ gia dụng ở Hà Nội cho biết không còn ai mua hàng Trung Quốc nữa. Kể từ tháng trước, anh đã chuyển sang bán hàng Việt Nam và hàng Thái. 

Kể từ đầu tháng 5, khi Bắc Kinh đưa giàn khoan vào biển Đông, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng xấu đi. Ngày 16/7, Trung Quốc đã rút giàn khoan nhưng mong muốn giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt vẫn còn. 

Năm ngoái, kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt 50 tỷ USD. 30% hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam là từ Trung Quốc với giá trị 37 tỷ USD, trong khi con số này chỉ tương đương 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. 

Trung Quốc nhập khẩu 40% tổng lượng gạo và cao su xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm. Khách du lịch Trung Quốc cũng chiếm 25% tổng số. Gần đây khách du lịch Trung Quốc đã giảm mạnh. 

Về phương diện đầu tư nước ngoài, Trung Quốc không đóng vai trò lớn. Trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 8 với số vốn cam kết 177 triệu USD. Hàn Quốc và Nhật Bản có số vốn 2,4 tỷ USD và 643 triệu USD. Tuy nhiên, khu vực sản xuất của Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu từ Trung Quốc, với 70% linh kiện điện thoại di động và 1/4 thiết bị điện tử đến từ nước láng giềng. 

Reuters nhận định yếu tố sẽ tạo nên thay đổi lớn là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trung Quốc không tham gia các cuộc đàm phán với mục đích hình thành một hiệp định thương mại bao phủ 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. 

Những ưu đãi từ TPP khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải suy nghĩ lại về chiến lược kinh doanh. Một khi TPP có hiệu lực, ngành dệt may của Việt Nam sẽ cạnh tranh hơn so với Trung Quốc – nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất vào thị trường Mỹ. 

Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải từ bỏ việc nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu từ Trung Quốc. Theo yêu cầu của TPP, Việt Nam phải sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ một nước cũng tham gia TPP. 

Ví dụ, tháng trước, công ty dệt Việt Đức ở Bình Dương đã nhận khoản vay 100 tỷ đồng để đầu tư máy móc nhằm phá bỏ thế phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Vinatex cũng lên kế hoạch IPO vào tháng 9 tới để huy động vốn cho kế hoạch mở rộng đầy tham vọng trị giá 1 tỷ USD. Kế hoạch này bao gồm xây dựng các cơ sở tự chế biến nguyên liệu.

TPP đến rất đúng thời điểm – khi các doanh nghiệp Việt Nam nhận ra rằng họ không nên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. “Doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ suy nghĩ ngắn hạn. Tôi hi vọng rằng giờ đây họ đã rút ra được bài học sau những căng thẳng với Trung Quốc”, lãnh đạo một công ty dệt may nước ngoài giấu tên nói với Reuters. 

Thu Hương

huongnt

Reuters

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên