MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn “mù mờ” về TPP

Có một thực tế hiện nay là, phần lớn các DNVN có liên quan trực tiếp tới Hiệp định TPP vẫn mù mờ về những nội dung trong hiệp định, đặc biệt là xuất khẩu.

Theo dự kiến, Hiệp định Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết trong quý I/2014. Việt Nam được đánh giá là quốc gia sẽ được lợi nhiều nhất từ hiệp định này. 

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) có liên quan trực tiếp tới hiệp định này vẫn mù mờ về những nội dung trong hiệp định, đặc biệt là liên quan trực tiếp tới xuất khẩu. Thực tế này sẽ gây ra nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, thậm chí là thua thiệt cho các DNVN khi TPP được ký kết.   

Công ty TNHH Mây Tre Xuất khẩu Phú Minh, Hưng Yên có đối tác rất lớn là Nhật Bản, trong khi Nhật Bản cũng là một trong những thành viên sẽ tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, những thông tin về hiệp định lại rất ít đến với DN này.


Ông Vũ Văn Quân, Phó TGĐ Công ty TNHH Mây Tre Xuất khẩu Phú Minh Hưng Yên cho biết: “Thực ra đối với Hiệp định TPP tôi cũng mới được biết trong thời gian gần đây, chúng tôi cũng chưa tìm hiểu nhiều về TPP. Đối với các hiệp định mà chúng ta định ký kết như FTA và TPP thì thông tin đến các DN còn tương đối chậm, DN nắm bắt thông tin cũng tương đối chậm nên không có sự chuẩn bị”.


Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thực trạng này xuất phát từ nguyên nhân là đoàn đàm phán và Bộ Công Thương chưa tuyên truyền đủ mức tới DN, song cũng có nguyên nhân từ chính các DN. Nhiều hội thảo, hội nghị cung cấp thông tin về Hiệp định được tổ chức nhưng các DN cũng chưa mặn mà. Bản thân đoàn đàm phán rất mong nhận được ý kiến đóng góp phản hồi của các doanh nghiệp để có hướng đàm phán.


Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương khuyến nghị: “Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ động tổ chức một số hội thảo ở khu vực phía bắc, phía nam, TP.HCM để thông báo cho các DN những nội dung cơ bản, những hướng thách thức cơ bản của các hiệp định như TPP hay FTA với EU. Chúng tôi cũng đã cố gắng xuất hiện trên báo chí để thông báo về việc này cũng như cố gắng trình bày và nhận diện các cơ hội cũng như thách thức, nhưng để đi sâu hơn nữa thì cần có sự quan tâm lớn hơn từ chính DN”.

 

Là thành viên của Ban chấp hành Hiệp hội Dệt may, ông Hoàng Hữu Chương, TGĐ Công ty Nguyễn Hoàng có may mắn tiếp cận được nhiều hơn với các thông tin về TPP. Tuy nhiên, những thông tin có được cũng chỉ là cơ bản và DN mong muốn được cung cấp những thông tin cởi mở hơn nữa để đưa ra chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp và hiệu quả hơn.


Ông Hoàng Hữu Chương nói: “Để tận dụng tốt cơ hội cũng như vượt qua những thách thức thì phải hiểu sâu hơn về nó, nhưng đồng thời Nhà nước cũng phải có những chính sách như cung cấp, cập nhật thông tin cởi mở hơn cho các DN, thứ hai là hãy mở cửa cho các DN dệt may đầu tư mạnh hơn nữa vào các tỉnh”.


Tham gia TPP mà các DN mù mờ thì sẽ có nguy cơ mất thị trường, chịu áp lực cạnh tranh lớn, thậm chí thất thế về mặt pháp lý khi xảy ra tranh chấp, kiện tụng. Theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng cần làm ngay lúc này là phải điều chỉnh về pháp luật, cải cách trong nước để giúp giảm thiểu chi phí sản xuất cho DN.


TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế: “Các hiệp định này rất phụ thuộc vào các lĩnh vực cải cách bên trong nền kinh tế, phụ thuộc vào cải cách của Việt Nam và đằng sau cải cách ấy là mức độ chuẩn bị khả năng thích ứng, khả năng đối phó của hính phủ và của DNVN. Sự tương tác giữa hội nhập và cải cách trong nước sâu rộng hơn bao giờ hết giữa lợi ích cũng như thách thức đối với DN cũng lớn hơn bao giờ hết, cho nên thời điểm này rất quan trọng để Chính phủ và DN có sự chuẩn bị”.


Đoàn đàm phán Chính phủ cũng mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn để giúp đoàn đàm phán có được định hướng giúp DN nắm bắt được các cơ hội và thách thức do TPP mang lại. Điều này cũng sẽ giúp đoàn đàm phán truyền đạt mọi tinh thần, thông tin đàm phán tới Hiệp hội doanh nghiệp để chuẩn bị sẵn sàng cho một hiệp định nhiều tiềm năng như TPP.         

           

Theo Hữu Bằng

cucpth

VTV

Trở lên trên