“Đổi mới thể chế giúp doanh nghiệp phát huy tính chủ động”
Khẳng định của ông Cao Sĩ Kiêm Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Chia sẻ trước thông điệp đầu năm mới 2014 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ông Cao Sĩ Kiêm, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mong muốn: “Dù doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng phải đảm bảo yếu tố cạnh tranh bình đẳng, giúp doanh nghiệp phát huy tính chủ động”. Đây cũng là nội dung cuộc phỏng vấn giữa chúng tôi với ông Cao Sĩ Kiêm.
PV: Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình trước thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Nội dung chính trong thông điệp của Thủ tướng năm nay muốn gửi gắm là chúng ta phải tìm ra và xác định được động lực có thể khai thác để phục vụ cho công tác chỉ đạo năm 2014 – năm đang có những hi vọng rất lớn.
Động lực có thể tiếp tục khai thác có hiệu quả là phát huy quyền làm chủ của dân, của doanh nghiệp cũng như thực hiện một cách mạnh mẽ hoặc là có kết quả công cuộc đổi mới hệ thống thể chế,giúp doanh nghiệp phát huy tính chủ động và giải quyết được những vấn đề mà khuyến khích người dân trong sản xuất kinh doanh dịch vụ tốt hơn, giá thành hạ hơn và tính hiệu quả cao hơn.
Đấy là những nội dung đồng thời cũng là những nét mới, cũng là những yếu tố để chúng ta vượt qua khó khăn năm 2014, gỡ được hiện nay và hội nhập dần với kinh tế quốc tế.
PV: Như vậy, theo ông cần phải làm gì để đạt được điều đó?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Thứ nhất là phải tiếp tục có những quy định, tiêu chí để xác định những yếu tố trong thị trường, đặc biệt là những nguyên tắc trong sản xuất kinh doanh dịch vụ sát với thông lệ quốc tế mà chúng ta đã cam kết.
Điều kiện thứ 2, sau khi chúng ta đã xác định được những nội dung, giải pháp chủ yếu ấy, thì chúng ta phải có những cụ thể hóa rất nhanh và có sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa các lĩnh vực với nhau.
Trước hết là những lĩnh vực có liên quan về kinh tế, như là vấn đề tài khóa, tiền tệ, vấn đề thương mại, đầu tư. Đặc biệt là giải quyết những tồn tại của thị trường trong điều kiện hiện nay, như thị trường bảo hiểm, thị trường chứng khoán, thị trường lao động, thị trường áp dụng công nghệ, thị trường kinh doanh… Tất cả những cái đó chúng ta phải làm tiếp để,hoàn chỉnh cơ chế thị trường.
Thứ 3 là phải có những chế tài, công khai minh bạch, bình đẳng, có những quy định để xử lý sai phạm trong sản xuất kinh doanh dịch vụ, đảm bảo được kỷ cương kỷ luật. Trên cơ sở đó chúng ta có thể biến những định hướng, những thông điệp ấy thành hiện thực và có kết quả khi thực hiện.
PV: Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới phải tập trung giải quyết hai vấn đề thực hiện giá thị trường đối với hàng hoá, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, xóa bỏ tình trạng độc quyền. Theo ông chúng ta phải làm gì trong năm 2014?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Cơ chế thị trường, ngoài xóa bỏ độc quyền, đảm bảo yếu tố cạnh tranh thì trong quá trình thực hiện, phải hết sức bình đẳng. Sự bình đẳng giữa tất cả các thành phần: cùng một sàn chơi, một sân chơi, cùng một điều kiện thì mới có sự cạnh tranh lành mạnh, mới tạo nên động lực cho tất cả các thành phần đều phải cải tiến, sửa chữa những tồn tại của mình sát những yêu cầu đặt ra.
Đồng thời, ngoài thể chế ra phải hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, chất lượng nguồn lực, nâng cao khả năng, hiểu biết về công nghệ, quản trị, quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp, khả năng hoàn thiện chính sách của các đơn vị quản lý như hệ thống ngân hàng, tài chính, kế hoạch, thương mại … Đấy là những vấn đề cần phải chú ý trong công tác điều hành năm 2014.
PV: Như vậy, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo yêu cầu của Thủ tướng sẽ có tác động thế nào đối với việc hoàn thiện cơ chế thị trường ở nước ta?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Sắp xếp lại nhanh hoạt động của doanh nghiệp, tập đoàn đó là mục tiêu chung. Còn nội dung cụ thể của doanh nghiệp nhà nước cũng phải xác định muốn phấn đấu cạnh tranh một cách bình đẳng, thì doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân phải đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật, phải đảm bảo yếu tố cạnh tranh.
Nói như thế để việc sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp tập đoàn phải được đặt lên trọng tâm để giải quyết sự ưu tiên, ưu đãi, độc quyền giảm dần và mất đi, sử dụng tốt hơn nguồn vốn của nhà nước, thì mới tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác có điều kiện để vươn lên. Còn nếu không có sự sắp xếp một cách nghiêm túc thì khả năng đảm bảo bình đẳng cũng như tạo yếu tố sắp xếp hiệu quả doanh nghiệp nhà nước sẽ khó khăn.
PV: Xin cảm ơn ông!.