MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổi tên nước lúc này không có lợi

“Việc thay đổi tên nước trong thời điểm này sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp".

 ĐB Nguyễn Văn Tuyết phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường QH sáng nay 3-6.

Sáng nay 3-6, mở đầu 2 ngày liên tiếp thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đề nghị giữ nguyên tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) mở đầu với ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là CHXHCN Việt Nam. Theo ĐB, tên gọi này được sử dụng ổn định từ tháng 7-1976 đến nay và đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và năm 1992.

“Việc thay đổi tên nước trong thời điểm này sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp như phải thay đổi quốc huy, con dấu... Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi đã trở nên quen thuộc với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế” - ĐB Nguyễn Văn Tuyết nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Trần Văn Tư (Đồng Nai) khẳng định: Không biết các địa phương khác như thế nào nhưng đối với Đồng Nai, hơn 700.000 ý kiến của nhân dân góp ý sửa đổi Dự thảo Hiến pháp, chỉ có 1 ý kiến đề nghị đổi tên nước là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

ĐB Trần Văn Tư cho biết đã trực tiếp phỏng vấn người có ý kiến này thì về tâm tư tình cảm muốn trở về nên nước đầu tiên khi thành lập, chứ không có ý gì khác.

Theo ĐB Tư, tên nước CHXHCN Việt Nam không phải lựa chọn ngẫu nhiên mà kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là sự lựa chọn của thời khắc lịch sử sau khi kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

37 năm qua, với tên nước, chức trách quản lý Nhà nước, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, vẫn bảo đảm theo định hướng, đường lối của Đảng và bảo đảm chế độ dân chủ của nhân dân.

“Chưa nói đến vấn đề nếu đổi tên nước hiện nay thì cái không được nhiều hơn cái được. Bởi vì đổi tên nước không có cơ sở có thể gây ra xáo trộn không cần thiết” - ĐB Trần Văn Tư kết luận.

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cũng khẳng định: “Khi chế độ chính trị vẫn ổn định, khi bản chất mục tiêu Nhà nước và định hướng phát triển ở nước ta không thay đổi thì không có lý do gì thay đổi tên nước”.

ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cũng dành nhiều thời gian để thể hiện sự đồng tình với việc giữ nguyên tên nước. Theo ĐB Kỳ, “tên nước là thiêng liêng, liên quan đến chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, định hướng cách mạng, phương hướng phát triển của đất nước, của dân tộc, liên quan đến bản chất, nguyên tắc hoạt động của Nhà nước, tư tưởng, tâm lý của nhân dân và nhìn nhận, đánh giá của cộng đồng quốc tế. Như vậy, ý kiến đặt vấn đề đổi tên nước là không phù hợp”.

ĐB Huỳnh Thế Kỳ phân tích thêm: "Tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên gọi phù hợp với giai đoạn trước năm 1975 ở nước ta. “hể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vận dụng trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến kiến quốc, tạo dựng những nền tảng ban đầu để đi lên CNXH. Thể chế đó đã được lịch sử kiểm nghiệm, làm tròn nhiệm vụ lịch sử của nó”.

Việc giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam tiếp tục khẳng định mục tiêu định hướng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta và bảo đảm ổn định cho hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, giữ vững niềm tin vào chế độ, vào Đảng, vào Nhà nước, tránh những tác động bất lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường đi lên CNXH và có thể gây phức tạp về an ninh chính trị, trật tự.

Chiều nay và ngày mai, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Những ý kiến đóng góp sẽ được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu, tiếp thu. Dự thảosửa đổi Hiến pháp dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Theo D.Ngọc

cucpth

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên