Đột phá môi trường kinh doanh: “Hồi hộp” chờ Quốc hội
Chính phủ đã vào cuộc và tăng tốc không ngừng trong việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh. Nay, cộng đồng doanh nghiệp đang “hồi hộp” trông đợi những quyết sách mới của Quốc hội.
“Cờ trong tay Quốc hội”, “bóng trong chân Quốc hội”, đó là tiêu đề của một số bài báo trong những ngày vừa qua khi đề cập đến yêu cầu cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã đề ra trách nhiệm rất cụ thể trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Đồng thời, sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định các giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày sáng 20/10 trước Quốc hội cũng đã đề cập nhiều đến vấn đề môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, cả khi nhìn lại năm 2014 và khi nêu mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2015.
Báo cáo chỉ rõ trong năm 2014, Chính phủ đã “tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh”. Nhờ đó, môi trường kinh doanh có bước được cải thiện, huy động và sử dụng ngày càng tốt hơn các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.
Đặc biệt, nhóm nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên để thực hiện các mục tiêu của năm 2015 được xác định là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo và có biện pháp cụ thể đối với từng Bộ, ngành, địa phương để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh…
Trong chương trình nghị sự của Quốc hội lần này, có không ít nội dung trực tiếp liên quan đến vấn đề trên. Trước hết, phải kể đến các dự thảo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã được “nâng lên đặt xuống” rất nhiều lần và nay chính thức trình các đại biểu thảo luận, thông qua.
Rất nhiều chỉ số chủ chốt về môi trường kinh doanh (theo cách tính của Ngân hàng Thế giới và đã được Chính phủ xác định tại Nghị quyết 19) sẽ được quyết định tại 2 luật này, như khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư. Và trong suốt thời gian qua, đã có những tranh luận rất sôi động về nhiều vấn đề liên quan đến quyền tự do kinh doanh, như các lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, về giấy phép con hay về con dấu của doanh nghiệp…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã từng nhấn mạnh Việt Nam có hội nhập thành công hay không, doanh nghiệp có “thắng trên sân nhà”, có cạnh tranh được không cũng phụ thuộc vào việc sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, những luật đóng vai trò “lõi của phát triển”.
Tương tự là dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, khi thời gian nộp thuế cũng là một chỉ số chủ chốt tạo nên sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh. Nhưng hơn thế, những giải pháp được nêu trong dự thảo Luật còn được kỳ vọng sẽ góp phần “khoan thư” sức doanh nghiệp, để nghĩa vụ đóng thuế phù hợp hơn với quy mô, trình độ phát triển và “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay…
Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với một số Bộ, ngành về các thủ tục liên quan đến khởi sự kinh doanh. Về thời gian nộp thuế, Bộ Tài chính đã ban hành một thông tư sửa cùng lúc đến 7 thông tư, trong khi Chính phủ cũng vừa ban hành một nghị định sửa cùng lúc 4 nghị định. Những việc làm chưa từng có tiền lệ này đã khẳng định quyết tâm gỡ khó nhanh chóng nhất cho doanh nghiệp của cơ quan hành pháp.
Cuối năm 2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới, trong đó ghi rõ quyền tự do kinh doanh của mọi người dân. Từ đó đến nay, có thể nói Chính phủ đã vào cuộc và tăng tốc không ngừng để góp phần bảo đảm quyền tự do kinh doanh ấy. Nay, cộng đồng doanh nghiệp đang “hồi hộp” trong đợi không chỉ những hành động tiếp theo của Chính phủ mà còn cả những quyết sách mới của Quốc hội.
Quốc hội có nhà mới, kinh tế thay áo mới
Theo Hà Chính