MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Dự báo CPI tăng khoảng 4% gần như là chắc chắn”

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2014 tăng 0,11%, là mức tăng thấp nhất trong 11 năm qua. Còn trong những tháng cuối năm, dự báo khó có yếu tố bất ngờ có thể khiến CPI tăng cao.

Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn chuyên gia về thị trường giá cả TS. Ngô Trí Long xung quanh vấn đề này.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI 10 tháng năm 2014 chỉ tăng 2,36%. Ông có đánh giá gì về mức tăng CPI này?

Dự báo của Chính phủ là CPI năm nay chỉ tăng dưới 5% . Thực tế 10 tháng năm nay CPI chỉ tăng 2,36%. Như vậy chưa bằng một nửa dự báo của Chính phủ. Từ nay đến cuối năm còn hai tháng nữa, CPI cùng lắm chỉ vào khoảng 4%. CPI tháng 10 từng được dự báo sẽ tăng cao, nhưng lại chỉ tăng 0,11%. Điều này cho thấy nguồn cung đáp ứng song cầu lại rất hạn chế. Vì cầu hạn chế cho nên chỉ có rất ít các mặt hàng tăng giá, còn lại hầu như là ổn định.

Trong 2 tháng cuối năm 2014, theo ông có yếu tố nào có thể tác động khiến CPI tăng đột biến hay không, thưa ông?

Tôi không thấy yếu tố nào có thể khiến CPI tăng đột biến. Bởi vì với chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng trưởng tín dụng khó khăn, các dự báo về nhu cầu người tiêu dùng không có gì đột biến, sức mua thấp, sản xuất còn rất khó khăn thì CPI không tăng mạnh được. Giả sử mỗi tháng CPI tăng 0,5% thì CPI cả năm cũng chỉ tăng khoảng 3,36%, còn nếu tăng 0,6%/tháng thì vẫn tăng dưới 4%. Do đó dự báo CPI tăng khoảng 4% gần như là chắc chắn.

Nếu CPI chỉ tăng mức 4% thì có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế không, thưa ông?

CPI năm 2014 nếu dừng ở mức 4% thì cũng không phải là mức thấp kỷ lục. Bởi vì từ năm 1999-2001, CPI thậm chí còn ở mức âm do giảm phát. Còn CPI của năm nay được cho là tăng thấp. Như vậy chúng ta có thể thấy, tăng trưởng sẽ không tăng cao. Chính phủ dự báo đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5,8% song chất lượng tăng trưởng cũng như so với mức tiềm năng của nền kinh tế vẫn chưa đáp ứng được. Cho nên dư địa điều hành chính sách tiền tệ còn rất rộng với điều kiện lạm phát như vậy. Nhưng CPI tăng thấp cũng có nghĩa sản xuất của DN cũng như tăng trưởng còn khó khăn, sức mua hạn chế.

Căn cứ vào dự báo CPI năm 2014, ông có đánh giá gì về tình hình kinh tế năm tới, thưa ông?

Chính phủ đánh giá khá lạc quan về tình hình kinh tế. Nhưng nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá không lạc quan lắm. Bởi vì còn nhiều thách thức của nền kinh tế chưa được xử lý, tăng trưởng vẫn dưới tiềm năng, DN phá sản còn lớn, nợ xấu tiếp tục ở mức cao, đặc biệt nợ công có xu hướng tăng cao. Ngoài ra, một trong những khó khăn lớn nhất của nền kinh tế như thị trường bất động sản vẫn chưa tháo gỡ được. Những thách thức của nền kinh tế vẫn đặt ra trước mắt. Cho nên với mức giảm lạm phát như thế này, cùng với niềm vui của người tiêu dùng được hưởng mức giá thấp thì còn đó nỗi lo nhu cầu tăng thấp, DN khó khăn, nhiều vấn đề bất cập của nền kinh tế chưa xử lý được dứt điểm.

Xin cảm ơn ông!

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội:

CPI tăng thấp là đáng lo hơn đáng mừng. Mừng là có vẻ lãi suất ngân hàng có cơ hội giảm, nhưng đáng lo bởi không cẩn thận sẽ có nguy cơ giảm phát. Theo dõi kinh tế thương mại thì thấy, thông thường giá biến động từ 4-5% thì lưu thông bình thường. Còn nếu dự báo CPI cả năm dừng ở mức 3,5-4%, bằng nửa chỉ tiêu Quốc hội đặt ra thì rất không hay. CPI thấp cũng sẽ che giấu các vận động hàng hóa thực tiễn. Tồn kho vẫn tăng cao hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa của 10 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 5%, so với thời kỳ hoàng kim là tăng 12-13%. Hai năm nay, lương của các đối tượng xã hội không được tăng và dự kiến năm tới công nhân viên chức cũng tiếp tục không tăng lương. Như vậy sức mua sẽ không thể có và giá cũng không tăng lên được.

L.B (ghi)

Theo Lương Bằng

huongtt

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên