MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo nhiều mặt hàng giảm giá trong tháng 4

Cục Quản lý giá dự báo giá cả nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu có xu hướng ổn định hoặc giảm trong tháng 4/2014, nên CPI dự kiến có thể vẫn giảm, tuy nhiên tốc độ giảm thấp hơn so với mức tháng 3.

Nhiều yếu tố kìm giá

Theo Cục Quản lý giá, trong tháng 4, một số yếu tố sẽ tác động gây sức ép lên mặt bằng giá như: Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi chưa được kiểm soát hoàn toàn; khô hạn đang diễn ra tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ ảnh hưởng đến sản xuất; giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng biến động mang tính mùa vụ do nhu cầu tăng trong các ngày lễ…

Tuy nhiên, trong tháng 4, có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá được Cục Quản lý giá phân tích, đó là: Giá nhiều hàng hóa nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới sẽ chỉ biến động nhẹ. Trong nước, cân đối cung- cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững, sức mua không có nhiều biến động.

Cùng với đó, giá một số loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm (lương thực, thực phẩm, đường...), giá dầu diezel, mazut, dầu hỏa và gas (LPG) được điều chỉnh giảm cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2014; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ... là những yếu tố góp phần bình ổn thị trường giá cả.

Nhiều mặt hàng thiết yếu giá ổn định hoặc giảm

Theo dự báo của Cục Quản lý giá, thời gian tới, giá lúa gạo nguyên liệu trong nước có xu hướng ổn định, bởi nguồn cung gạo thế giới tiếp tục tăng và áp lực xả kho gạo Thái Lan khiến giá chào gạo xuất khẩu tiếp tục giảm.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong quý I-2014 Việt Nam xuất khẩu ước đạt 1,31 triệu tấn gạo, trị giá 616 triệu USD, giảm 14,9% về khối lượng và giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Về tồn kho gạo: Tính đến ngày 20/3/2014, tồn kho trên cả nước ước đạt 0,59 triệu tấn (thấp hơn nhiều so với mức 1,93 triệu tấn cùng kỳ năm trước), chưa kể lượng tồn trong dân.

Cùng xu hướng trên, giá thực phẩm tươi sống cũng được dự báo ổn định trong tháng này. Trên thực tế, giá các loại thịt lợn và thịt bò có xu hướng giảm trong tháng 3/2014 nhưng tính chung cả quý I/2014 thì tăng so với quý I/2013. Chỉ riêng giá thịt gà giảm mạnh trong tháng 3, đồng thời cũng giảm mạnh so với quý I/2013.

Đối với mặt hàng đường, mặc dù giá đường thế giới dự báo tăng nhẹ. Tuy nhiên, trong nước vẫn đang vụ sản xuất, sản lượng đường tuy giảm hơn so với tháng 3 nhưng ước vẫn đạt khoảng 200.000 tấn, cùng với tồn kho cao nên giá bán buôn đường trong nước có thể giảm nhẹ.

Nguồn cung đường lớn từ các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới như Brazil, Ấn Độ, trong khi nhu cầu tiêu dùng thấp là những nguyên nhân chính kéo giá đường thế giới giảm so với cùng kỳ 2013.

Kéo dài thời gian giá cả ổn định đó là hai mặt hàng thuộc nhóm vật liệu xây dựng. Trong 3 tháng đầu năm 2014, giá xi măng tại các nhà máy nhìn chung không biến động lớn. Dự báo trong tháng 4, giá bán xi măng và thép xây dựng sẽ duy trì ổn định.

Thực tế, trong tháng 3, nhu cầu thị trường thép xây dựng có dấu hiệu khởi sắc hơn so với tháng 2 do nhu cầu tiêu thụ dân dụng và các công trình khởi động trở lại. Nhưng hiện tại nguồn cung trong nước vẫn đang cao hơn nhu cầu tiêu thụ trên thị trường nên các đơn vị vẫn giữ mức giá ổn định nhằm duy trì thị phần.

Thông tin đáng chú ý từ cơ quan quản lý giá đó là trong tháng này, dự báo giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước. Theo Cục Quản lý giá, trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế, xã hội thế giới, đa số giới phân tích đều cho rằng trong ngắn hạn, giá xăng, dầu thành phẩm thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với những tín hiệu lạc quan của tình hình kinh tế của một số nền kinh tế lớn (Mỹ, Trung Quốc...), dự báo giá xăng dầu thế giới tháng 4 có xu hướng giảm nhẹ so với tháng 3/2014.

Chỉ số giá tiêu dùng giảm cả ở thành thị

Theo thống kê, trong 11 nhóm hàng thì 4 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng 2/2014, trong đó nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá giảm nhiều nhất, giảm 0,96% (lương thực giảm 0,13%, thực phẩm giảm 1,54%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,09%), tiếp đến là nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,74%, hai nhóm cùng giảm 0,03% là Bưu chính viễn thông và Giao thông.

7 nhóm còn lại có mức tăng nhẹ từ 0,03-0,24%, trong đó 6 nhóm có tốc độ tăng thấp hơn so với tháng trước, riêng nhóm Giáo dục nhích nhẹ so với tốc độ tăng của tháng trước (tháng 2 nhóm Giáo dục tăng 0,01%, tháng 3 tăng 0,03%).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 3/2014 giảm 0,44% so với tháng 2/2014. Đây là tháng có chỉ số giá giảm sâu nhất so với chỉ số giá cùng kỳ tháng 3 từ năm 2007 đến nay.

Xét theo khu vực và địa phương: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3-2014 giảm ở cả khu vực thành thị (giảm 0,41%) và nông thôn (giảm 0,45%); trong đó, hầu hết các địa phương có chỉ số giá giảm, mức giảm tại một số địa phương lớn như TP.HCM giảm 0,46%, Hà Nội giảm 0,15%, Hải Phòng giảm 0,09%, Đà Nẵng giảm 0,64%, Khánh Hòa giảm 0,56%, Cần Thơ giảm 0,75%, Thừa Thiên Huế giảm 0,4%…

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp trong quý I/2014 tạo những tiền đề thuận lợi khách quan để điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2014 ở mức 7% như Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 đã đề ra.

Theo Nguyễn Mạnh

cucpth

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên