MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch Việt Nam phát huy thành quả từ “bệ phóng” 2015

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ năm 2015 là một năm có nhiều dấu ấn với ngành du lịch. Mặc dù tăng trưởng khách quốc tế chưa được như kỳ vọng song ngành du lịch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững, hiệu quả trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, 2015 là năm của nhiều sự nỗ lực, cố gắng thay đổi của ngành du lịch với những kết quả đáng khích lệ. Đây là những bước đệm quan trọng làm tiền đề cho sự phát triển vững vàng, hiệu quả hơn của ngành du lịch trong năm 2016.

Một năm của nhiều chính sách quan trọng

Từ cuối 2014 và suốt 2015 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt đến ngành du lịch với những chỉ đạo, giải pháp để chặn đứng sự giảm sút của du lịch, từng bước phục hồi để phát triển ổn định và bền vững hơn.

Rất nhiều chính sách quan trọng đã được xây dựng và ban hành như Nghị quyết 92 của Chính phủ về xây dựng phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Chỉ thị 14, 18 về đảm bảo an toàn an ninh cho du khách; chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu và Belarus…

Những chính sách này đã được triển khai thực hiện với sự nỗ lực của toàn ngành du lịch với sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành như: Bộ Công an, GTVT, Ngoại giao, Tài chính, KH&ĐT… cùng một số địa phương địa bàn trọng điểm và doanh nghiệp hàng đầu.

Những nỗ lực tổng hợp đã góp phần cải thiện lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Bằng chứng là lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng trưởng trở lại trong 6 tháng cuối năm 2014. Tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, qua đó đã bù đắp lại sự sụt giảm tới 12% của 6 tháng đầu năm 2015.

Cùng với đó, thị trường du lịch nội địa cũng tăng trưởng tốt, ổn định. Phân khúc thị trường chi tiêu cao bắt đầu tăng lên trong khi phân khúc thị trường chi tiêu thấp bắt đầu giảm xuống.

Việc 3 thị trường trọng điểm bắt đầu phục hồi đã khiến bức tranh du lịch 6 tháng cuối năm sáng sủa hơn rất nhiều so với trước. Kết quả đạt được trong cả 2015 trong bối cảnh như vậy là điều rất đáng khích lệ.

Bên cạnh đó còn có sự thay đổi quan trọng trong nhận thức của chính ngành du lịch về sự đóng góp của du lịch nội địa đối với tăng trưởng du lịch nói chung.

Hiện nay Tổng cục Du lịch đã áp dụng cách thức thống kê tăng trưởng khách du lịch mới theo các nguồn số liệu: Tài khoản vệ tinh du lịch; dựa trên các kết quả; chỉ dẫn về thống kê của Tổng cục Thống kê. Đây là phương thức do Tổ chức Du lịch Thế giới đưa ra.

Tổng hợp số liệu thống kê từ các nguồn trên kết hợp với một số tiêu chí, phương pháp và cách thức của Tổng cục Du lịch cho ra kết quả thống kê phù hợp với thực tế.

Năm 2014, với cách thống kê cũ, tính tổng thu từ du lịch là 230.000 tỷ đồng, trong đó khách quốc tế đóng góp 190.000 tỷ đồng, khách nội địa chỉ có 40.000 tỷ đồng. Theo cách thống kê mới áp dụng trong năm 2015, cả nước có gần 58 triệu lượt khách du lịch nội địa (2014 là 37 triệu khách); tổng thu từ khách du lịch quốc tế và nội địa là 338.000 tỷ đồng.

Đây là đổi mới rất cơ bản, rất quan trọng, bởi chỉ khi nào chúng ta đánh giá đúng đóng góp của du lịch với GDP thì mới có cơ sở sát thực để đưa ra chính sách hợp lý nhằm phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này.

Bên cạnh đó, trong năm 2015 hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch của chúng ta cũng có những đổi mới tương đối tốt khi đã huy động các nguồn lực để tập trung xúc tiến những thị trường trọng điểm. Việc xúc tiến có tập trung với quy mô lớn tạo ra hiệu ứng lan tỏa và mang đến hiệu quả rõ rệt hơn. Đây là hướng đi đúng cho công tác xúc tiến, vốn là điểm yếu của du lịch Việt.

Tập trung vào phân khúc thị trường chi tiêu cao

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới 2020 tầm nhìn 2030 đưa ra quan điểm then chốt, với nhiều đổi mới so với những chiến lược trước đó. Theo đó, chúng ta sẽ tập trung phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với chất lượng hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh.

Chúng ta đa dạng hóa các thị trường nhưng tập trung ưu tiên vào những thị trường có lợi thế, du khách có khả năng chi tiêu cao. Năm 2015 vừa qua ngành du lịch Việt Nam đã có những bước đột phá theo hướng này. Theo đó, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ trọng cao hơn, còn du khách đi đường bộ từ Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan giảm hẳn.

Bên cạnh đó, phân khúc thị trường chi tiêu cao từ châu Âu cũng tăng so với các thị trường khác. Thị trường Hàn Quốc cũng có mức tăng trưởng tốt nhất trong năm 2015 cả về số lượng và chất lượng. Lần đầu tiên tổng số du khách đến từ Hàn Quốc vượt qua con số 1 triệu. Khách du lịch nói tiếng Hoa cũng phục hồi chủ yếu ở phân khúc chi tiêu cao (đi bằng máy bay và lưu trú dài ngày). Khách đi đường bộ sử dụng giấy thông hành lưu trú ít ngày giảm hẳn.

Đây là xu hướng tốt nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị cung ứng dịch vụ tốt hơn nữa để đón dòng khách chi tiêu cao, đồng thời vẫn cân đối với dòng khách chi tiêu thấp. Theo đó, chúng ta không cần quá nặng về số lượng bao nhiêu du khách đến Việt Nam mà nên chú trọng nhiều hơn vào đóng góp thực tế của khách du lịch, mức chi tiêu của du khách, cũng như số ngày lưu trú của họ khi đến Việt Nam.

Trong năm 2015, có một số địa phương đã công bố số lượng khách lớn, nhưng chi tiêu và doanh thu từ khách thì không tương xứng. Chẳng hạn có địa phương đón 6 triệu lượt khách du lịch nhưng tổng doanh thu chỉ đạt 1.200 tỷ đồng. Như vậy mỗi khách chỉ chi tiêu bình quân có 200.000 đồng. Một con số không tương xứng với đầu tư dịch vụ và con người cũng như tiềm năng của địa phương đó.

Rõ ràng nếu thu hút được 1 khách du lịch chi tiêu 1 triệu đồng/người, sẽ hiệu quả hơn việc thu hút tới 5 khách nhưng chỉ chi tiêu 200.000 đồng/người. Bởi chi phí chăm sóc, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực về môi trường, an ninh an toàn, khả năng cung ứng dịch vụ cho 5 người sẽ phí tổn hơn so với 1 người.

Tất nhiên trong du lịch vẫn có phân khúc khách đi trong dịp lễ hội, tâm linh, hành hương hoặc có những người không có khả năng chi tiêu cao. Chúng ta vẫn tạo điều kiện những du khách này thưởng ngoạn văn hóa vẻ đẹp của đất nước kết hợp với đi hành hương nhưng rõ ràng trong kinh doanh, hiệu quả vẫn là mục tiêu cuối cùng và ngành du lịch phải tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu đó.

Tóm lại, để tăng hiệu quả kinh doanh, thì mỗi địa phương phải có sản phẩm, cách làm hiệu quả để giữ chân du khách lưu trú dài ngày, cũng như tạo điều kiện để họ có cơ hội chi tiêu. Trong đó cần đặc biệt chú ý đến các biện pháp mang lại niềm tin cho du khách. Bởi dù có hấp dẫn đến mấy nhưng nếu đi đâu cũng gặp nạn chèo kéo, đeo bám, chặt chém… thì du khách sẽ "một đi không trở lại"; và mọi nỗ lực quảng bá hình ảnh, thu hút du khách của chúng ta cũng không thể đi tới đích.

Theo Nguyễn Văn Tuấn

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch

 

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên