MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đừng vẽ TPP như một cái bánh rất to!”

"Nói đến TPP, chúng ta đều nói Việt Nam có cơ hội này, cơ hội kia và Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng cái sâu xa hơn là cơ hội chia về ai, lợi ích đó ai hưởng thì chưa thấy nói đến” – TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM chia sẻ.

TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ
109 bài viết

Nhận định về những cơ hội và thách thức của Việt Nam sau khi tham gia vào TPP, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, chúng ta chỉ hay nói đến cơ hội và luôn nhấn mạnh Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng cơ hội này sẽ thực sự thuộc về ai, lợi ích đó ai hưởng thì chúng ta lại chưa đề cập đến.

“Kinh nghiệm gia nhập WTO cho thấy, những cơ hội từ TPP rất có thể sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt sẽ bị đẩy ra rìa của quá trình hội nhập. Nước Việt Nam đi vào hội nhập nhưng doanh nghiệp Việt Nam bị đẩy ra rìa của qúa trình hội nhập vì không nằm trong dòng hưởng lợi” – Viện trưởng CIEM cho biết.

“Hội nhập ở đây không chỉ có doanh nghiệp, mà trước hết là Nhà nước. Hội nhập là gì? Theo tôi, hội nhập chính là thị trường. Khi hội nhập thì free (mở cửa) là yếu tố đầu tiên” – TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Theo ông Cung, trong khi cả thế giới đang nâng tầm thị trường lên, Việt Nam cứ đè thị trường xuống thì sẽ không hội nhập được.

“Đừng vẽ TPP như một cái bánh rất to! Nói đến TPP, chúng ta đều nói Việt Nam có cơ hội này, cơ hội kia và Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng cái sâu xa hơn là cơ hội chia về ai, lợi ích đó ai hưởng thì chưa thấy nói đến” – TS Cung chia sẻ.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tham gia sâu vào tiến trình hội nhập, Việt Nam đã tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như FTA với Liên minh kinh tế Á Âu, FTA Việt Nam - EU, hay mới đây nhất là hiệp định TPP...

Tuy nhiên, thông điệp đưa ra cho doanh nghiệp về các hiệp định này mới chỉ là “màu hồng” với rất nhiều cơ hội và lợi ích, mà chưa nói đến thách thức đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và yêu cầu cải cách.

“Điều khiến tôi lo lắng chính là lợi ích thực sự sẽ rơi vào đâu. Tôi đã từng đặt vấn đề nhiều lần rằng Việt Nam đừng để lợi ích rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, mà không phải doanh nghiệp Việt” – bà Lan chia sẻ.

Theo bà Lan, năm 2015 đáng lẽ được coi là năm hội nhập của Việt Nam nhưng doanh nghiệp và Nhà nước chưa có sự chuẩn bị kỹ càng. Nội lực còn yếu, trong khi đóng góp chính vào tăng trưởng vẫn là ngoại lực.

“TPP còn có thời gian để hoàn tất và chuẩn bị nhưng AEC đã gõ cửa tận nơi. Sự ào ạt tham gia thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp Thái Lan và các nước ASEAN khác là rất rõ. Sân nhà đang bị lấn bởi các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị tốt nhất” – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo lắng.

Bên cạnh đó, theo bà Lan, trong tình hình bội chi ngân sách cao như hiện nay, doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn do Nhà nước tăng cường các khoản thu từ thuế, phí... Trong khi đây lại là đối tượng chính đóng góp vào tăng trưởng và đảm bảo tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.

“Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng kém phát triển. Và khi đó, liệu các doanh nghiệp nước ngoài có còn rót vốn đầu tư vào Việt Nam nữa hay không?” – bà Lan băn khoăn.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên