Đưa Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm
Tây Nguyên giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái của đất nước...
- 12-07-2015Khánh thành tuyến đường huyết mạch của Tây Nguyên
- 27-02-2014Mỗi năm dành 1.300 tỷ đồng cho Tây Nguyên
- 07-11-2013Tây Nguyên: Dân điêu đứng vì cà phê rớt giá
Hôm nay (24/7), hội thảo “Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên” diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột Đắc Lắc , do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương và Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức, với sự tham gia của nhiều lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia kinh tế và đại diện cộng đồng doanh nghiệp.
Dưới đây là bài phát biểu gửi tới hội thảo của Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Tròn 40 năm sau ngày giải phóng, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh; đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực.
Động lực mạnh mẽ
Nhận thức được vị trí chiến lược của Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và cải thiện đời sống của nhân dân.
Có thể kể đến Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa 9) về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 cùng với nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Chính phủ.
Các bộ, ban, ngành đã kịp thời xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, tăng cường lực lượng, cán bộ cho Tây Nguyên, giải quyết kịp thời những vấn đề bức thiết của các vùng dân tộc thiểu số.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Tây Nguyên; phối hợp với các bộ, ban, ngành nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng, Chính phủ nhiều chủ trương quan trọng liên quan đến chính sách dân tộc, giải quyết những vấn đề bức xúc về đất đai, nhà ở, việc làm, giao đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Các địa phương trong khu vực và cả nước đã quan tâm liên kết, hỗ trợ về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Sự đầu tư của Trung ương và nỗ lực của các địa phương trong vùng, đã tạo động lực mạnh mẽ để kinh tế Tây Nguyên vươn lên, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước phát triển; hệ thống đường sá đã được đầu tư, xây dựng, nâng cấp, hình thành mạng lưới rộng khắp, vừa liên kết 5 tỉnh trong vùng, vừa nối Tây Nguyên với các vùng khác trên tuyến hành lang Đông - Tây.
Hệ thống trường lớp được mở rộng đến khắp các buôn làng; hệ thống cơ sở y tế rộng khắp; công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai liên tục...
Sản xuất nông nghiệp từ chỗ tự cung, tự cấp, đã chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành những vùng chuyên canh, tạo ra nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong nội địa và xuất khẩu, nhất là một số sản phẩm chủ lực như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu và nhiều cây công nghiệp, rau, hoa xuất khẩu.
Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của các bộ phận dân cư không ngừng được cải thiện. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết có kết quả, như đất đai, nhà ở, việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số... Sự phát triển toàn diện của các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
6 tháng đầu năm 2015, các tỉnh Tây Nguyên có mức tăng GDP 7,34% so với cùng kỳ.
Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 29.045 tỷ đồng, tăng 5,46%; toàn vùng có 1.153 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 3.230 tỷ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,65%; tổng thu ngân sách đạt 6.617 tỷ đồng.
Công tác đầu tư phát triển hạ tầng có chuyển biến tốt, đặc biệt đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên và triển khai nhiều dự án như sân bay Pleiku, các quốc lộ 20, 26, 28... góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực Tây Nguyên.
Ngày 12/7 vừa qua, hơn 663 km đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước chính thức được thông xe, về đích trước tiến độ một năm so với dự kiến, tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng và rút ngắn 1/3 thời gian chạy xe.
Đây là tuyến đường xương sống quan trọng nhất nối Tây Nguyên với hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Tp.HCM (miền Nam) và Đà Nẵng (miền Trung).
Liên kết để tạo chuyển biến
Tuy vậy, xét trên tổng thể, do những điều kiện đặc thù, Tây Nguyên hiện nay vẫn còn là một vùng nghèo so với nhiều nơi trên cả nước.
Một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế nhưng phát triển chưa tương xứng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ...
Trước mắt, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động các nguồn tài chính để kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và các vùng tiếp giáp; tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định 686 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, đổi mới các nông - lâm trường quốc doanh; tập trung chỉ đạo giải quyết các nhu cầu cấp thiết về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc; tiếp tục triển khai có kết quả quy hoạch thủy lợi, đề xuất các giải pháp về cấp nước, phòng chống lũ, đảm bảo an toàn hồ đập; và sớm thống nhất về chủ trương thành lập, sử dụng có hiệu quả Quỹ Phát triển cà phê Việt Nam...
Để thực hiện được mục tiêu đặt ra trong những năm tới là phát triển ổn định và bền vững trên cơ sở tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp, xây dựng hệ thống hạ tầng đạt mức trung bình so với cả nước, tạo sự chuyển biến căn bản và từng bước đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc, thì Tây Nguyên cần có sự lãnh đạo toàn diện và đầu tư tương xứng của Đảng, Nhà nước cả về chính sách và nguồn lực; đồng thời, rất cần có sự liên kết, đầu tư, hỗ trợ kịp thời của bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.