EVN công bố 3 phương án thay đổi cách tính bậc thang hoá đơn điện
Với phương án giảm bậc thang giá điện xuống 3-4 bậc thay vì 6 bậc, EVN cho biết, khách hàng sử dụng càng nhiều điện trong tháng càng thanh toán tiền điện với giá cao hơn, sử dụng càng ít điện sẽ được thanh toán tiền điện ở các mức giá thấp hơn.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa hoàn thiện Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện nhằm lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế và người dân. Theo bản dự thảo hôm 16/9, EVN đã xây dựng 3 phương án thay đổi cách tính bậc thang hoá đơn điện.
Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc như hiện hành. Theo đó 50 kWh đầu tiên có mức giá 1.484 đ/kWh; Bậc 2 từ 51-100 kWh có mức giá 1.533 đ/kWh; Bậc 3 từ 101-200 kWh có mức giá 1.786 đ/kWh; Bậc 4 từ 201-300 giá 2.242 đ/kWh; Bậc 5 từ 301-400 kWh có mức giá 2.503 đ/kWh và bậc 6 từ 401 kWh trở lên có mức giá 2.587 đồng/kWh.
EVN cho biết nhược điểm của phương án này là gây phức tạp trong công việc thanh toán tiền điện với khách hàng. Tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng, lượng điện sử dụng càng cao áp ở mức giá cao ngược với logic tiêu dùng hàng hoá thông thường là càng mua nhiều càng rẻ, dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm.
Phương án 2: Áp dụng một mức đồng giá 1.747 đồng/kWh, đây là mức giá bán điện bình quân của biểu giá diện sinh hoạt bậc thang hiện hành.
EVN đánh giá ưu điểm của phương án này là dễ dàng áp dụng, minh bạch, rõ ràng việc áp giá điện tạo điều kiện cải tiến khâu kinh doanh bán điện về công tác gi chỉ số công tơ.
Đồng thời còn tạo điều kiện từng bước đi dần vào thị trường, xóa bỏ việc thực hiện chính sách xã hội qua giá điện và Nhà nước sẽ thực hiện chính sách xã hội bằng biện pháp trực tiếp khác.
Tuy nhiên, nhược điểm bước đầu có thể khó khăn do tác động nhiều đến tầng lớp người nghèo, người thu nhập thấp do vậy cần tính toán cụ thể. Áp lực tiết kiệm điện của phương án đồng giá không cao bằng giá bậc thang mặc dù người tiêu dùng cũng phải tự tính toán về tiền điện thanh toán.
Phương án 3: Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 hoặc 4 bậc, mức giá bình quân là 1.747 đồng/kWh, trong đó có 5 kịch bản:
Kịch bản 1: Bậc 1 - 50 kWh có giá 1.484; Bậc 2 - 250 kWh có giá 1.763 đ/kWh; Bậc 3 trên 300 kWh có giá 2.557 đồng/kWh.
Kịch bản 2: Bậc 1 - 100 kWh có giá 1.501 đ/kWh; Bậc 2 – 200 kWh có giá 1.907 đ/kWh; Bậc 3 – trên 300 kWh có giá 2.557 đ/kWh.
Kịch bản 3: Bậc 1 – 150 kWh có giá 1.559 đ/kWh; Bậc 2- 150 kWh có giá 2.007 đ/kWh; Bậc 3 – trên 300 kWh có giá 2.557 đ/kWh.
Kịch bản 4: Bậc 1 – 200 kWh có giá 1.584 đ/kWh; Bậc 2 – 200 kWh có giá 2.325 đ/kWh; Bậc 3 trên 400 kWh có giá 2.587 đ/kWh.
Kịch bản 5: Bậc 1 – 50 kWh có giá 1.484 đ/kWh; Bậc 2 – 150 kWh có giá 1.670 đ/kWh; Bậc 3 – 200 kWh có giá 2.325 đ/kWh; Bậc 4 trên 400 kWh có giá 2.587 đ/kWh.
EVN cho rằng phương án này khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Khách hàng sử dụng càng nhiều điện trong tháng càng thanh toán tiền điện với giá cao hơn, sử dụng càng ít điện sẽ được thanh toán tiền điện ở các mức giá thấp hơn.
Mặt khác còn góp phần thực hiện được chính sách an sinh xã hội đối với những người sử dụng ít điện và khả năng chi trả thấp, đặc biệt là đối với kịch bản 1, 2 và 5.
Trong khi đó, nhược điểm là việc ghi chỉ số tác động đến thanh toán tiền điện với số kWh ở nấc thang cao hoặc vào mùa nắng nóng sử dụng nhiều điện thì tiền điện thanh toán có tốc độ tăng cao hơn lượng điện sử dụng gây hiểu lầm là do ghi chỉ số sử dụng điện không chuẩn xác.
"Điều này tạo dư luận xấu ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Khi rút gọn còn 3 bậc thang hoặc 4 bậc thang thì những tồn tại này vẫn còn hiện hữu", đề xuất phương án của EVN nêu rõ.
Bizlive