EVN không minh bạch, bắt dân gánh lỗ là không được
Chính cái chỗ thiếu minh bạch đã làm bức xúc xã hội và người ta cảm nhận rằng họ đang phải gánh những chi phí bất hợp lý; những thua lỗ.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã chia sẻ với Đất Việt về việc Tập đoàn điện lực Việt Nam độc quyền, tự ý tăng giá trong khi việc đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ nghiêm trọng.
PV: - Theo biểu giá bán lẻ điện bình quân vừa được ban hành, giá bán lẻ điện bình quân từ năm 2013-2015 (chưa tính thuế VAT) sẽ từ 1.437-1.835 đồng/kWh. Giải thích cho mức tăng tối đa gần 22%, một lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, việc tính khung giá dựa trên giá thành và một số khoản bị "treo", chưa tính vào giá điện.
Ông bình luận như thế nào về giải thích của lãnh đạo Bộ Công thương, đặc biệt, khi mới đây Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra việc EVN đưa chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis vào giá điện?
Ông Trần Du Lịch: - Tôi chỉ xin bình luận một vấn đề muốn tăng giá điện trước hết phải minh bạch toàn bộ hoạt động của EVN. Minh bạch cả về mặt đầu tư, tài chính, chi phí để cho có một sự giám sát rõ ràng về hoạt động của họ trước khi bàn tới việc tăng hay điều chỉnh giá.
Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh |
Chủ trương điều chỉnh giá điện để tính đúng, tính đủ không bao cấp giá điện là tôi ủng hộ. Nhưng tôi muốn nhắc lại phải minh bạch mọi thứ. Không thể để lâu lâu thanh tra lòi cái này, lòi cái kia.
Chính cái chỗ thiếu minh bạch này làm bức xúc xã hội và người ta cảm nhận rằng người ta đang phải gánh những chi phí bất hợp lý; những thua lỗ.
Ví dụ như nếu anh minh bạch thì những hoạt động làm viễn thông thua lỗ, đầu tư xây biệt thự, sân golf sai… cũng bắt giá phải chịu là không được.
PV: - Chỉ xét riêng yếu tố giá thành, mới đây, đã có ý kiến cho rằng, EVN nhập công nghệ sản xuất điện lạc hậu, đẩy giá thành sản xuất điện lên cao. Chưa kể, các yếu tố đầu vào khác như than và khí nằm trong phạm vi dễ dàng điều chỉnh giá sau cái bắt tay của ba ông lớn: EVN, PVN và Vinacomin.
Với các điều kiện như vậy, vấn đề minh bạch trong những lần tăng giá tới phải được đặt ra như thế nào để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng? Thực tế hiện nay, người tiêu dùng phải gánh chịu mọi hậu quả quyết định kinh doanh của EVN (nhập công nghệ kém, đầu tư ngoài ngành thua lỗ...) thông qua thuế phí và giá điện. Để EVN tự tung tự tác như vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Làm thế nào để khắc phục tình trạng đó trong thời gian tới, trước khi có thị trường điện cạnh tranh?
Ông Trần Du Lịch: - Như tôi đã nói ở trên phải minh bạch, làm đúng chức năng nhiệm vụ chính trị phải làm. Rồi cái gì anh làm sai rồi đem xóa nhòa vào các chi phí là không được.
Còn làm thế nào để minh bạch thì rất đơn giản. Bản thân tôi đã nhiều lần đề nghị, những tập đoàn như EVN phải minh bạch hoạt động của họ giống như các công ty trên thị trường chứng khoán.
Tất cả nếu làm như vậy đều có tiêu chí của nó. Khi tham gia các tập đoàn đó sẽ phải công khai. Nếu chúng ta minh bạch hoạt động từ khâu đầu tư thì tất cả sẽ được giám sát và khắc phục được việc tự tung tự tác.
Tôi đề nghị với những tập đoàn lớn và có ảnh hưởng tới nền kinh tế như EVN thì Quốc hội nên giám sát hoạt động của họ.
Hiện giá thành của EVN đang tự tung, tự tác |
PV: - Lộ trình xóa bỏ độc quyền ngành điện được thể hiện trong QĐ số 26/2006/QĐ-TTg, gồm 3 giai đoạn: 2005-2014 cho phép cạnh tranh trong lĩnh vực phát điện, xóa bỏ độc quyền; 2015-2022 cho phép cạnh tranh trong lĩnh vực bán buôn điện; sau 2022 cho phép cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ điện và ngành điện vận hành theo cơ chế thị trường?
Ông Trần Du Lịch: - Việc đa dạng hóa nguồn cung cấp điện là đúng nhưng mạng phân phối bán điện phải có lộ trình. Chính phủ đang tính toán lộ trình nhưng trước mắt tôi nghĩ cần giám sát và minh bạch rõ hơn để cho đúng lộ trình của nó.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Bích Ngọc