MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FDI chảy mạnh vào TP HCM

Chưa đầy 2 tháng đầu năm 2014, TP HCM đã thu hút được 230 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bằng 2/3 so với cả năm 2013

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị tổng kết thu hút đầu tư năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của các KCX-KCN TP HCM, tổ chức ngày 19-2.

Khởi sắc

Theo Ban Quản lý các KCX-KCN (Hepza), trong 250 triệu USD đầu tư vào các KCX-KCN gần 2 tháng đầu năm, có 230 triệu USD là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, nhiều dự án có vốn lớn như Công ty TNHH Worldon Việt Nam (thuộc Tập đoàn Shenzhou International Trung Quốc) đầu tư 140 triệu USD vào KCN Đông Nam để thành lập trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp. 

Hay Công ty TNHH Sheico Việt Nam (vốn Đài Loan) đầu tư 50 triệu USD xây dựng dây chuyền hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp trong thể thao dưới nước như lặn, bơi, áo phao..

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà nhận xét đây là tín hiệu tốt đầu năm trong thu hút vốn FDI của thành phố, nối tiếp thành công từ năm 2013. Cụ thể, năm 2013, các KCX-KCN TP HCM thu hút gần 609 triệu USD, trong đó vốn FDI đạt trên 363 triệu USD, tăng gần 75% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Tấn Phước, Phó Ban Quản lý Hepza, tình hình thu hút đầu tư của các KCX-KCN trong năm 2013 và đầu năm 2014 có nhiều khởi sắc, tăng vốn đầu tư lẫn quy mô và chất lượng của từng dự án. Tuy nhiên, quy mô tăng vốn của các dự án chủ yếu là vừa và nhỏ, chưa thu hút được những tập đoàn lớn để phát triển ngành công nghệ tiên tiến và tạo ảnh hưởng rộng kéo theo các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Hướng đếncông nghiệp “xanh”

Ông Đoàn Hồng Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), cho biết nếu trước đây, công ty chỉ tập trung cho thuê lại đất thì sắp tới sẽ cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm bằng việc góp 45% vốn trong tổng số 31 triệu USD vào dự án Khu Kỹ nghệ Việt Nhật vừa được khởi công (phần vốn còn lại của nhà đầu tư Nhật Bản). 

Tại đây, không chỉ cung cấp nhà xưởng xây sẵn, còn có dịch vụ tuyển dụng lao động, tư vấn đầu tư, quản lý... giúp khách hàng của dự án rút ngắn thời gian chuẩn bị, nhanh chóng triển khai hoạt động kinh doanh, đem lại hiệu quả cao. Đây là mô hình đáp ứng nhu cầu đón làn sóng đầu tư chất lượng cao từ Nhật Bản.

Ông Lê Mạnh Hà chỉ đạo Hepza cần tập trung hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Kỹ nghệ Việt Nhật, hoàn thành hạ tầng vào quý IV/2014 vì đây là mô hình điểm cần được khuyến khích. Đồng thời, Hepza cần tiếp tục vận động thu hút các dự án thuộc những ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ sạch như điện tử, viễn thông, tin học, hóa dược phẩm...

“Nhà đầu tư trong các KCX-KCN ngoài nỗ lực vượt khó phát triển sản xuất kinh doanh, chú ý không gây ô nhiễm môi trường. Để xóa tiếng xấu trong năm qua, khi cho nhà đầu tư thuê đất, các doanh nghiệp cần có những điều khoản khắt khe trong hợp đồng để khi nhà đầu tư vi phạm về môi trường là có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng và thực hiện điều chỉnh một số hợp đồng đã ký” - ông Lê Mạnh Hà chỉ đạo.

Năm 2014, TP HCM đề ra chỉ tiêu thu hút 550 triệu USD vốn FDI. Để đạt chỉ tiêu trên, các

KCX-KCN đã chuẩn bị sẵn 408 ha đất và hơn 67.000 m2 nhà xưởng đạt tiêu chuẩn để đón nhàđầu tư.

Theo Ngọc Ánh

cucpth

Người lao động

Trở lên trên