MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FDI: Lượng chẳng lo, chất cần chuyển biến

Khéo léo kích thích DN trong nước để các DN này lớn mạnh, tận dụng sức lan tỏa của khu vực FDI.

Không sợ… bội thực

Số vốn FDI đăng ký 6 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt gần 5,5 tỷ USD, giảm xấp xỉ 20% so với cùng kỳ, đem đến nhiều nghi ngại về khả năng sụt giảm dòng vốn này trong tương lai gần. Tuy nhiên, số vốn giải ngân 6,3 tỷ USD trong cùng thời kỳ, tăng tương ứng 9,6% lại cho một góc nhìn khác về sự háo hức rót vốn vào Việt Nam của các nhà đầu tư (NĐT) ngoại.

Trên thực tế, hàng loạt các FTA mà Việt Nam đã hoặc sắp ký kết được nhìn nhận là “chất xúc tác” kéo dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam. Một Báo cáo đặc biệt gần đây của Bộ phận nghiên cứu NH Standard Chartered ghi nhận, có tới 36% đại diện các công ty đa quốc gia đang muốn chuyển cơ sở ra khỏi Trung Quốc (khu vực đồng bằng Châu Giang, tỉnh Quảng Đông) đã chọn Việt Nam là điểm đến.

“Mức lương thấp, lực lượng lao động trẻ và vị trí địa lý gần Trung Quốc giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc biệt đối với những ngành sản xuất thâm dụng lao động”, báo cáo của Standard Chartered kết luận.

Thậm chí, đã bắt đầu có những quan ngại cho rằng, Việt Nam có thể “bội thực” FDI trong những năm tới. Và trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay đã phụ thuộc quá lớn vào FDI, trong khi sức lan tỏa của khu vực này đến nền kinh tế, DN trong nước không lớn, sẽ là rủi ro cho Việt Nam nếu dòng vốn này rút đi, hoặc khu vực này sẽ tạo ra những chèn lấn nhất định đối với khu vực kinh tế trong nước.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Đình Ánh, cần có một cái nhìn khách quan và công bằng hơn đối với khu vực FDI và phải xem đây như một bộ phận tất yếu của nền kinh tế nước ta. Nhất là khi khu vực này đang có một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế với tỷ trọng trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 60-70% tổng kim ngạch xuất khẩu, trên 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp khoảng 20% GDP. “Rõ ràng khu vực FDI đã đóng góp đáng kể vào sự thay đổi cả về lượng và chất của nền kinh tế Việt Nam hàng chục năm qua”, TS. Ánh nhìn nhận.

Ông Ánh cũng cho rằng, chừng nào chúng ta còn duy trì một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chừng đó Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn với các NĐT nước ngoài. Bởi vậy, thay vì lo lắng, chúng ta nên tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng để giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường, chi phí hoạt động cho DN thì không lo gì vấn đề dòng vốn FDI rút khỏi Việt Nam.

Chỉ lo không tận dụng được

“Dòng vốn luôn tìm tới những nơi được chào đón”, ông Mike Smith, Tổng giám đốc Tập đoàn ANZ nói. Với Việt Nam, trong khi môi trường chính trị luôn ổn định, môi trường kinh doanh liên tục cải thiện và nguồn lao động chi phí thấp có thể coi là những điểm cộng.

Tuy nhiên, việc chậm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, năng lực cạnh tranh và phân bổ nguồn lực không tốt lại đang là những điểm trừ và tạo ra những rủi ro trong thu hút đầu tư nước ngoài trong tương lai. Ngay cả với nguồn lao động chi phí thấp cũng không thể kéo dài mãi thì trong tương lai, lấy gì đảm bảo Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của các NĐT nước ngoài nếu các yếu tố khác không có cải thiện?

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, FDI vẫn có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, những điểm cần “chuyển” trong FDI là phải hướng đến chất lượng. Cụ thể là cần tạo được sự lan tỏa, gắn kết được về mặt công nghệ, kỹ năng… đối với DN trong nước và gắn với tư tưởng phát triển bền vững.

Tất nhiên, bài toán này không đơn giản vì lợi thế cạnh tranh tĩnh thì dễ nhận ra, nhưng để tạo ra được sự lan tỏa, gắn kết và phát triển cho các DN Việt Nam trong chuỗi giá trị thì cần tạo ra được khả năng cạnh tranh động và vai trò của chính sách là rất quan trọng. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh động (cạnh tranh thông qua thị trường, lợi thế quy mô…) lại thường đi kèm với những bất định và luôn xuất hiện những khó khăn.

Đơn cử, trong môi trường hội nhập và cam kết ngày càng mạnh mẽ, rõ ràng dư địa chính sách khác trước, nhiều công cụ truyền thống có thể không còn áp dụng được. Hoặc nếu muốn can thiệp, nhiều khi đòi hỏi những cam kết nào đó của từ các NĐT nước ngoài. Ví dụ, Việt Nam dành cho NĐT những ưu đãi, ngược lại NĐT phải cam kết về lộ trình trong chuyển giao công nghệ, đào tạo, sự tham gia của các DN trong nước… Nhưng điều này có thể lại làm giảm tính hấp dẫn trong môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam so với các nước khác.

Theo các chuyên gia, điểm quan trọng nhất là chúng ta phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận đối với khu vực FDI. Theo đó, việc FDI vào ngày càng mạnh là điều tích cực và không đáng lo ngại. Vấn đề là làm sao khéo léo thông qua chính sách, thông qua hỗ trợ và kích thích các DN trong nước để họ dần lớn mạnh lên, tận dụng sức lan tỏa của khu vực này, nhờ đó “tận thu” được cả các lợi ích trực tiếp và gián tiếp từ khu vực FDI.

Theo Đỗ Phạm

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên