FDI Nhật Bản “chê” Đà Nẵng
Trong những năm qua, Đà Nẵng vẫn luôn là một trong những địa phương thu hút FDI lớn của cả nước nhưng trong mắt những nhà đầu tư Nhật Bản, Đà Nẵng vẫn chiếm vị trí rất khiêm tốn. Bằng chứng là tính đến thời điểm hiện nay, địa phương này chỉ chiếm khoảng 1% vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Vì sao vậy?
- 12-09-20152 giải pháp “hút” doanh nghiệp FDI vào công nghiệp hỗ trợ
- 31-08-20158 tháng, 16 tỉnh “trắng” dự án FDI
- 27-08-2015Vốn FDI của Ấn Độ đang “rót” vào những ngành nào tại Việt Nam?
Buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng với hàng trăm DN Nhật Bản vừa diễn ra dường như “nóng” lên khi các DN Nhật Bản đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng (Khu công nghiệp Liên Chiểu, Hoà Khánh, Hoà Cầm…) đã phản ánh những khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.
Bất cập hạ tầng, thủ tục
Các DN than phiền về thủ tục hành chính còn hết sức phức tạp, rườm rà. Lấy ví dụ đơn cử cho trở ngại này, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản cho rằng, thủ tục liên quan đến người lao động nước ngoài cần phải có giấy phép lao động, ngoài các giấy tờ chuẩn bị ở nước ngoài còn cần các giấy tờ khác tại Việt Nam. Trong đó, quyết định của UBND mất đến hai tuần mới được ban hành.
Việc dịch sang tiếng Việt và công chứng mất 1 tuần. Sau khi được cấp giấy phép lao động phải mất một tuần sau mới có thẻ tạm trú. “Giấy tờ thủ tục còn rất rườm ra, mất thời gian. Đề nghị TP rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục” – Hiệp hội DN Nhật Bản kiến nghị. Cũng theo Hiệp hội DN Nhật Bản thì các DN Nhật rất mong muốn tăng tỉ lệ mua các cấu kiện tại địa phương, tuy nhiên đối với các sản phẩm cấu kiện gia công cơ khí chính xác thì không thể mua được tại Đà Nẵng mà phải mua ở Hà Nội, TP HCM.
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất đối với DN Nhật Bản vào Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng là thiếu nguồn cung ứng nguyên vật liệu và công nghiệp phụ trợ. Cụ thể, với Việt Nam các DN Nhật Bản chỉ mua được nguyên vật liệu, linh kiện từ các DN trong nước với tỉ lệ khoảng 28% trong khi con số này với Trung Quốc là 60,8%, Thái Lan là 53%…
Cùng với đó, theo ý kiến của các DN Nhật, thị trường của Đà Nẵng ít hấp dẫn hơn so với Hà Nội và TP HCM. Với những nhà đầu tư muốn khai thác thị trường tại chỗ thì Đà Nẵng không có ưu thế. Với những nhà đầu tư muốn vào để tận dụng chi phi đầu tư thấp thì những đối tượng này khi mọi điều kiện đã đáp ứng thì yếu tố cuối cùng và cũng rất quan trọng là vận chuyển rất khó khăn.
Cụ thể, cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng lại chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của DN; hành lang kinh tế Đông Tây chưa phát huy hết hiệu quả; DN đầu tư dự án tại Đà nẵng buộc phải tăng cho chi phí vận chuyển hàng hoá để xuất nhập khẩu tại khu vực phía Bắc hoặc phía Nam đã góp phần đẩy giá sản phẩm lên cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận chủa DN.
Theo đại diện của Cty Mabuchi Motor thì tình trạng chăn thả súc vật tự do, phân súc vật thải trên đường, vệ sinh không đảm bảo, buôn bán hàng rong và hàng rào chắn trong KCN bị hư hại dẫn đến trẻ em tự ý vào chơi trên mặt đường gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, làm mất mỹ quan và cản trở hoạt động SXKD của các đơn vị trong KCN.
Cần tạo sức hút riêng
Theo nhận định của các chuyên gia, đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng, nếu Đà Nẵng có quyền lựa chọn nhà đầu tư thì ngược lại nhà đầu tư cũng có quyền lựa chọn tỉnh thành nào để rót vốn vào.
Với lý do đó, các chuyên gia kiến nghị, để tạo ra sức cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư, đây là thời điểm Đà Nẵng cần chứng tỏ rõ nét hơn về sức hấp dẫn của mình trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản.
Cụ thể, Đà Nẵng cần phải quan tâm nhiều hơn, tạo điều kiện nhiều hơn để các DN Nhật Bản có thể hoạt động một các thuận lợi nhất về chính sách, hạ tầng cơ sở, trình độ nguồn nhân lực… Ví dụ như với công nghiệp hỗ trợ, thành phố cần tiếp cận thông tin về các loại sản phẩm, linh kiện mà Cty Nhật Bản tại Đà Nẵng đang cần để giúp đỡ cũng như sớm có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DN Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực này.
Cùng với đó, để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, đặc biệt là từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam bởi đây chính là biện pháp xúc tiến đầu tư tại chỗ hiệu quả và thiết thực nhất.
Nếu Đà Nẵng có quyền lựa chọn nhà đầu tư thì ngược lại nhà đầu tư cũng có quyền lựa chọn tỉnh thành nào để rót vốn vào.
Theo Ông Lâm Quang Minh – Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng: Người Nhật Bản thường có khuynh hướng đầu tư “đi theo”, các DN đi trước dẫn dắt các DN đi sau, theo kiểu tai nghe nhưng phải tận mắt chứng kiến. “Kinh nghiệm xúc tiến đầu tư Nhật Bản cho thấy những nhà đầu tư mới thường chỉ xem kênh thông tin từ chính quyền như một thông tin tham khảo, trong khi lại rất chú trọng thông tin từ các nhà đầu tư trước xem người ta làm ăn như thế nào. Do đó, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản.
Cụ thể: Thứ nhất là minh bạch tất cả các chính sách, thu thuế, chính sách đất, thủ tục đầu tư như thế nào. Đặc biệt là thông quan, xuất nhập khẩu. Thứ hai, nâng cấp cơ sở hạ tầng như sân bay Đà Nẵng, cảng biển, điện, hệ thống xử lý nước thải tại các KCN bởi người Nhật rất coi trọng vấn đề môi trường.
Thứ 3, giữ quan hệ thường xuyên sự kết nối với nhà đầu tư để khi nhà đầu tư có vướng mắc thì kịp thời giải quyết; phải xem sự thành công của nhà đầu tư là thành công của Đà Nẵng nên phải quan tâm hỗ trợ kịp thời những vướng mắc; cuối cùng cần chăm sóc thật tốt những nhà đầu tư tại chỗ để những nhà đầu tư tại chỗ đó trở thành một kênh xúc tiến đầu tư cho mình.
“Giống như con chim trong lồng, trong vườn, nếu được chăm sóc tốt thì những con chim khác khi bay ngang qua sẽ hạ xuống, và ngược lại sẽ bay đi luôn nên phải chăm sóc nhà đâu tư tại chỗ để tạo ra niềm tin thúc đẩy nhà đầu tư mới”, ông Minh ví von.