Forbes: TPP sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào Việt Nam
Việt Nam là câu chuyện thành công về phát triển kinh tế. Kể từ sau khi mở cửa thị trường cách đây 30 năm, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khá ổn định. Sau khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi rất lớn nhưng vấn đề là liệu Việt Nam có tận dụng được các cơ hội mà TPP mang lại hay không?
- 09-11-2015Hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ được các nước trong TPP giảm thuế thế nào?
- 09-11-2015Tác động của TPP nhìn từ chương Dệt may
- 08-11-2015Kinh tế trong tuần: TPP không còn là ‘bí mật’
Trong bài viết đăng trên tạp chí Forbes mới đây, ông Kenneth Kim - Chuyên gia tài chính cấp cao của quỹ đầu tư EQIS Capital (Mỹ) – nhận định, nhờ nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh mẽ, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Dẫn số liệu của tổ chức Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Kim cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam nửa đầu năm 2015 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2014.
“Kết quả này có được nhờ sự mở rộng mạnh mẽ của ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng và khai khoáng. Khác với hầu hết các nền kinh tế tiểu vùng, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng khá vững chắc trong 6 tháng đầu năm” - ADB bình luận.
Còn theo ông Kim, Việt Nam là câu chuyện thành công về phát triển kinh tế. Kể từ sau khi mở cửa thị trường cách đây 30 năm, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khá ổn định. Đặc biệt, sau khi tham gia hiệp định TPP, rõ ràng quốc gia này được hưởng lợi rất lớn, vấn đề là liệu Việt Nam có tận dụng được các cơ hội mà TPP mang lại hay không?
Ngoài việc tạo môi trường thương mại tự do, hiệp định thương mại thế hệ mới này còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực như đảm bảo quyền của người lao động và quyền sở hữu trí tuệ.
TPP yêu cầu các bên tham gia phải cắt giảm và tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan để tạo thuận lợi tối đa cho luồng hàng hóa dịch vụ của các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như may mặc, da giày, máy tính và đồ điện tử.
Hiệp định TPP cũng sẽ giúp các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới.
Với sân chơi bình đẳng và cởi mở, TPP được kỳ vọng sẽ làm gia tăng chuỗi giá trị và hỗ trợ tích cực cho các nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Kể từ khi mở cửa nền kinh tế cách đây 30 năm, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, tỷ lệ thất nghiệp giảm, tỷ lệ hộ nghèo cũng đang ở mức thấp so với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc. Khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam cũng được thu hẹp đáng kể.
Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cách đây gần 10 năm, các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất, công nghệ thông tin và công nghệ cao phát triển mạnh với quy mô ngày càng lớn. Nhiều nhà kinh tế dự báo, Việt Nam sẽ có tên trong 25 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 10 năm tới, một phần là nhờ những lợi ích mà TPP mang lại.
Bên cạnh đó, Chuyên gia tài chính Mỹ cho rằng, với lợi thế là một nhà sản xuất giá rẻ, Việt Nam sẽ tấn công mạnh mẽ vào thị trường của các quốc gia phát triển. Với lực lượng lao động trẻ, dồi dào với hơn 90 triệu dân, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành sản xuất.
Theo ông Kenneth Kim, TPP sẽ là điều tuyệt vời cho kinh tế Việt Nam và cho cả người dân nước này, cũng như sẽ đem đến các cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Nội dung của TPP gồm 30 chương, thiết lập các quy tắc thương mại trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng, hợp tác, giải quyết tranh chấp…
Sau 5 năm đàm phán, đại diện 12 quốc gia thành viên TPP đã tìm được tiếng nói chung và tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán vào ngày 5/10. TPP được đánh giá là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm đến 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu.
12 quốc gia thành viên TPP bao gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Australia và Việt Nam.