MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FTA Việt Nam-Hàn Quốc: Đổi tỏi, ớt… lấy ô tô?

“Tại sao đàm phán với Hàn Quốc, chúng ta không đánh đổi xăng dầu, ô tô, sắt thép hay một số lĩnh vực khác mà chỉ để lấy tỏi, ớt, con tôm, cua, cá? Tỏi, ớt, gừng là những nguyên liệu rất quan trọng để làm nên kim chi – thực phẩm không thể thiếu trên bàn ăn của mọi người dân Hàn Quốc”.

Ngày 5/5, sau hơn 2 năm với 8 vòng đàm phán chính thức và 8 vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn, đàm phán giữa kỳ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức được ký kết. Là FTA mang tính toàn diện, có mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, dự kiến Hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư, việc ký kết Hiệp định VKFTA sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội một cách hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc.

Cơ hội mở đến đâu?

Chia sẻ tại Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam–Hàn Quốc: Nội dung cam kết - Tác động đối với doanh nghiệp Việt Nam” do VCCI kết hợp với Bộ Công thương và Bộ Tài chính tổ chức sáng 21/5, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) cho biết, VKFTA có thể coi là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên.

“VKFTA có các nội dung mở cửa sâu hơn, đầy đủ hơn, cụ thể hơn so với tất cả các hiệp định và cam kết trong quan hệ thương mại mà Việt Nam và Hàn Quốc đã có trước đây" - bà Trang nói.

Trong khi đó, đánh giá về những cơ hội của Việt Nam, ông Phạm Khắc Tuyên - Trưởng phòng Đông Bắc Á (Bộ Công thương) cho biết, VKFTA sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

“Hàn Quốc tự do hóa hơn 97% giá trị nhập khẩu, chiếm 95,4% số dòng thuế, trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản và tiêu dùng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Chính nhờ hàng nghìn dòng thuế được xóa bỏ trong VKFTA mà hàng Việt sẽ có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan…tại thị trường này" - ông Tuyên phân tích.

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu hàng hóa giá rẻ hơn, đặc biệt là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ cho các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của nước ta hiện nay như dệt may, giày dép, điện tử… Điều này sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các thị trường khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Đổi tỏi ớt… lấy ô tô?

Cũng tại hội thảo, ông Tuyên cho biết, theo cam kết của hiệp định, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam ưu đãi cắt giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí… Hiện thuế suất những mặt hàng này vào Hàn Quốc khá cao, từ 241%-420%.

Ngược lại, phía Việt Nam sẽ có những ưu đãi cho Hàn Quốc với những mặt hàng như ô tô, nguyên liệu dệt may, linh kiện ô tô…

“Tại sao đàm phán với Hàn Quốc, chúng ta không đánh đổi xăng dầu, ô tô, sắt thép hay một số lĩnh vực khác mà chỉ để lấy tỏi, ớt, con tôm, cua, cá? Tỏi, ớt, gừng là những nguyên liệu rất quan trọng để làm nên kim chi – thực phẩm không thể thiếu trên bàn ăn của mọi người dân Hàn Quốc” – ông Tuyên nói.

Theo ông Tuyên, với những nước có trình độ công nghiệp phát triển như Hàn Quốc, việc bảo hộ nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Bảo hộ nông nghiệp không chỉ liên quan đến kinh tế, mà còn liên quan đến chính trị...

Hiện nhóm mặt hàng tỏi, ớt, gừng được bảo hộ rất cao với thuế suất 300 – 400%. Trong cam kết với Việt Nam, thuế suất nhóm mặt hàng này 10 năm nữa sẽ về 0%.

FTA Việt Nam - Hàn Quốc: Cơ hội mở đến đâu?

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên