Gần 1 tỷ USD được cam kết đầu tư vào Quảng Bình
Có hơn 200 nhà đầu tư có động thái quan tâm đến việc đầu tư vào các dự án quy mô lớn tại tỉnh Quảng Bình.
Chiều 5/4, tại thành phố Đồng Hới đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình lần thứ nhất với sự có mặt của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện các địa phương, Chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà cùng hơn 200 nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngay tại hội nghị, đã có 13 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư cùng với 5 biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa UBND tỉnh Quảng Bình và các nhà đầu tư với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 1 tỷ USD.
Trong đó, tỉnh Quảng Bình đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 lượt dự án; đáng chú ý nhất là dự án đầu tư vào hai khu du lịch khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và khu du lịch cao cấp Bảo Ninh - Hải Ninh của Tập đoàn Sungroup với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, là dự án đầu tư khu đô thị mới Bảo Ninh tại Đồng Hới của Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh với tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng.
Một số dự án đáng chú ý khác cũng được ký kết: Trung tâm thương mại - Siêu thị Co.opmart Quảng Bình của Liên hiệp HTX Thương mại TP. HCM (Saigon Co.orp) với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng.Tập đoàn Dệt may Việt Nam được trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn 500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án thuộc các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, vận tải, logistics cũng được trao giấy phép đầu tư.
Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Bình đã ký kết 5 biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư tại một số dự án quy mô lớn.
Đáng chú ý nhất là cam kết đầu tư lên đến 4.500 tỷ đồng của Tâp đoàn Dệt may Việt Nam, đầu tư xây dựng nhà máy sợi, nhà máy may, khu trồng bông nguyên liệu.
Tiếp đó là dự án FDI 200 triệu USD của Petro Lào (CHDCND Lào), đầu tư kho ngoại quan ở cảng Hòn La sức chứa từ 300.000 - 500.000m³ và đường ống dẫn dầu từ Hòn La đi Khăm Muộn (Lào).
Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng cam kết đầu tư 1.400 tỷ đồng chế biến nhà máy gỗ MDF.
Theo đánh giá từ các nhà đầu tư, Quảng Bình có nhiều tiềm năng cho việc phát triển các dự án đầu tư kể cả ở quy mô lớn. Nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá đồng bộ, bao gồm đủ cả sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt, đường sông.
Về lĩnh vực công nghiệp, hiện tỉnh Quảng Bình đang đầu tư Khu kinh tế Cha Lo thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh; tạo thành đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hoá - dịch vụ cho toàn bộ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng Mê Kông.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Bình cho thấy, lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 267 lượt dự án với tổng số vốn đăng ký gần 100.000 tỷ đồng.
Trong đó, tỉnh đã chấp nhận chủ trương và thực hiện đầu tư đối với 158 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư là 78.900 tỷ đồng.
Được biết, theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Quảng Bình sẽ phát triển 8 khu công nghiệp với quy mô 2.000ha.