MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 10.000 tỷ xây 3 sân bay Tây Bắc: Sao thấy lo lo?

Các chuyên gia hàng không cho rằng chi gần 10 ngàn tỷ đồng xây dựng 3 sân bay ở Tây Bắc là lãng phí và không phù hợp với nhu cầu.

Gần 10 nghìn tỷ xây 3 cảng hàng không ở Tây Bắc

Hiệu quả không cao, lãng phí

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng các cảng hàng không khu vực Tây Bắc. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam có kế hoạch đầu tư xây dựng 3 cảng hàng không ở khu vực Tây Bắc là Cảng Hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), sân bay Lai Châu và Cảng hàng không Lào Cai trong năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 9.813 tỷ đồng.

Trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề này, TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học kinh tế Việt Nam khẳng định việc xây dựng thêm 3 sân bay mới tại khu vực Tây Bắc của Cục Hàng không Việt Nam trong thời điểm này là lãng phí và không phù hợp với tình hình thực tế cũng như nhu cầu đi lại của người dân.

TS Bá phân tích: “Việt Nam là một đất nước không rộng mà có tới trên 100 sân bay, nhiều sân bay bỏ hoang, có những sân bay quá gần nhau nên quá lãng phí. Hội chứng này giống như hội chứng cảng biển có trên 300 cá . Sân bay quốc tế Phú Quốc “ tỷ đô” đang để lại gánh nợ lớn không bán được, cạnh đó là sân bay quốc tế Cần Thơ cũng đìu hiu. Chỉ lo xây dựng tới 3 cảng hàng không ở Tây Bắc cũng rơi vào tình cảnh đó”.

Vị chuyên gia đặt câu hỏi, nhiều ĐBQH và các chuyên gia kinh tế đã tỏ ý lo ngại về tình trạng lạm phát sân bay tại Việt Nam, tuy nhiên những người có trách nhiệm mà vẫn cứ triển khai lập dự án để trình các cấp, ban ngành xem xét.

Lấy Lativia làm dẫn chứng, TS Bá ví dụ: “Cả một nước Latvia chỉ có một sân bay quốc tế Riga, chỉ có 1 đường băng dài 2,7 km , sau kéo dài thêm 3,2 km mà hiệu quả vận chuyển hơn cả Tân Sơn Nhất với gần 20 triệu hành khách /năm.

Việt Nam lãng phí sân bay quá. Sản lượng vận tải hành khách hàng năm thấp lắm. Sản lượng vận tải hành khách của Hàng không ở Việt Nam còn thua xa đường sắt. Mỗi năm chưa đến 3 triệu hành khách/năm (tính theo 1000 km) và khoảng 150.000 tấn hàng hóa thì lấy gì lợi nhuận, lấy gì có lãi”.

Từ những bất cập trên, TS Bá cho rằng, thay vì xây dựng các sân bay mới thì các nhà quản lý, ngành chức năng cần mở rộng nâng cấp cũng như cải tạo các sân bay cũ để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Sao không nâng cấp đường bộ?

Cùng đưa ra nhận định, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, ĐH Bách khoa TP.HCM đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các sân bay Tây Bắc khi đưa vào khai thác.

“Tôi không hiểu cơ quan đề xuất căn cứ vào đâu để đưa ra con số phục vụ 560.000 hành khách/năm, có sân bay lên tới 0,9 triệu khách. Tôi cho rằng nó quá lớn so với nhu cầu thực tế đi lại của người dân tại những khu vực đó.

Bây giờ so sánh với thực tế, sân bay Cần Thơ đánh giá có nhu cầu phát triển đường bay nội địa và quốc tế mà trong bao nhiêu năm nay người ta chưa được mấy trăm ngàn khách một năm. Khai thác rất kém ở sân bay Cần Thơ dù dự kiến rất lớn”, PGS.TS Tống đặt câu hỏi.

Là người từng nghiên cứu và giảng dạy nhiều trong lĩnh vực hàng không, PGS.TS Tống cho rằng, thay vì ồ ạt xây dựng các sân bay, chúng ta nên chú trọng đầu tư vào đường bộ để phục vụ việc đi lại của số đông người dân.

“Nếu so sánh phát triển đầu tư đường bộ hay là một sân bay thì tôi cho rằng chắc chắn đường bộ hiệu quả hơn, cho nhiều người dân hưởng lợi hơn. Tôi luôn luôn nói rằng, thực sự mình rất cần ngành hàng không nhưng trong một mức độ nào đó chỉ những người có tiền mới đi được máy bay thôi chứ người nghèo làm sao đi được.

Còn với đường bộ không đi xe hơi thì có thể đi xe gắn máy, nhiều phương tiện khác, mang lại lợi ích kinh tế rất nhiều cho tuyến đường đó còn đường hàng không từ điểm này đến điểm nọ thôi, không mang lại hiệu quả kinh tế, lợi ích đường bộ"- PGS.TS Tống phân tích.

Nhìn nhận lại thực tế nhiều năm qua tại Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng do chúng ta nể nang nhau, không ai cản trở ai trong việc làm hại công quỹ gây lãng phí nên thời gian qua dù quốc hội có kêu gọi “thắt lưng, buộc bụng” thì các địa các tỉnh, thành phố vẫn đua nhau xin xây thêm hoặc đầu tư, mở rộng nâng cấp các sân bay.

“Việt Nam mang tính chất địa phương cục bộ, ai cũng bày ra những cái cần thiết cho địa phương mình mà không có sự tính toán về tài chính. Nếu bỏ tiền ra làm thì có làm không. Người ta làm việc đó không phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích địa phương mà là vì lợi ích cá nhân, của lợi ích nhóm trong đó.

Nếu cho một công ty tư nhân nào đó đứng ra khai thác sân bay, tự bỏ tiền làm sân bay rồi thu tiền của máy bay đến, máy bay đi, cho hoạt động xem có lợi không. Tôi khẳng định chắc chắn là không ai làm.

Chẳng hạn với sân bay Phú Quốc đang được rao bán cho tư nhân mua để khai thác. Thực tế Phú Quốc có những điều kiện phát triển của vùng đó, rồi dự án phát triển du lịch, sòng bạc nhưng có ai mua không và có bằng với giá đầu tư sân bay chưa?”, PGS.TS Tống đặt câu hỏi.

Với những nghịch lý đó, vị chuyên gia khẳng định, chúng ta cần bỏ quy hoạch kiểu thời kỳ kinh tế kế hoạch để đi sâu sát vào thực tế, tìm hiểu nhu cầu của người dân.

“Quy hoạch này rất cảm tính, không dựa trên thực tế. Cần phải có những tính toán, luận chứng kinh tế, kỹ thuật, luận chứng tài chính cho rõ ràng rồi mới đưa ra kế hoạch xây dựng sân bay chứ không thể làm một cách tùy tiện theo kiểu cứ xây rồi để đó được.

Ngoài ra cũng cần lôi cuốn nhiều trí thức vào các công trình. Chúng ta bao nhiêu người có học, chuyên ngành, bằng cấp mà chưa thể hiện tiếng nói trong những quyết sách quan trọng này”, PGS.TS Tống đánh giá.

Theo Hoàn Nguyễn

Đất Việt

Trở lên trên