MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Gắn trách nhiệm từng địa phương, người ký khi vay vốn ODA"

Liên quan đến việc Việt Nam có thể không còn được vay vốn ưu đãi theo điều kiện ODA bắt đầu từ tháng 7/2017 và phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Bên lề Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

- Việt Nam đang đối mặt với việc bị nâng lãi suất các khoản vay ODA cũ và rút ngắn thời gian trả nợ, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Hoàng Ngân: Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã đánh giá rất thẳng thắn về các kết quả đạt được trong 5 năm vừa qua, đồng thời Chính phủ đã nêu ra 9 điểm tồn tại.

Trong các điểm còn tồn tại, tôi quan tâm tới 3 điểm nhấn đó là vấn đề về nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài đang tăng rất nhanh, bội chi ngân sách vượt dự toán, đặc biệt áp lực trả nợ của ngân sách nhà nước ngày càng tăng. Ngay cả trong năm 2015, kế hoạch Chính phủ phải vay nợ lên đến 436.000 tỷ đồng và Chính phủ phải phát hành trái phiếu lên tới 250.000 tỷ đồng.

Do đó để giảm bớt áp lực đối với tình hình nợ công hiện nay thì vấn đề xử lý nguồn vốn vay ODA rất cần được quan tâm.

Chúng tôi cũng rất đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính trong việc xử lý tình huống khi sắp tới chúng ta phải vay vốn ODA với lãi suất cao, thời gian vay ngắn hơn, do vậy phải chọn lọc các dự án thật cấp thiết chứ không phải là "cần thiết".

Tính cấp thiết ở đây cho thấy đây là nguồn vốn vay nên chúng ta phải ưu tiên đến tính hiệu quả của kinh tế- xã hội và quốc phòng, an ninh. Chúng ta cũng nên hạn chế việc cấp phát mà phải tăng cường biện pháp vay và trả nợ, điều đó gắn với trách nhiệm của các địa phương trong sử dụng nguồn vốn này, đây là quy định theo hướng rất cần thiết trong điều kiện tình hình ngân sách hiện nay rất khó khăn.

- Theo ông việc các địa phương phải vay lại thay vì được ưu đãi các nguồn vốn ODA như trước đây, liệu các dự án có phát huy hiệu quả hơn không?

Ông Trần Hoàng Ngân: Chúng ta cũng biết, nếu cứ cấp phát thì các địa phương lại cứ chạy nên tính cân nhắc trong việc quyết định đầu tư rất là dễ. Do đó phải gắn với trách nhiệm của địa phương, gắn với Hội đồng Nhân dân các cấp, gắn với trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư nên chắc chắn sẽ có hiệu quả trong đầu tư công, đầu tư xã hội trong thời gian tới, đây là việc cần làm ngay.

- Ông vừa nói đến trách nhiệm của các địa phương đối với khoản vay ODA, vậy có nên ghi rõ trách nhiệm của người đã ký vay khoản ODA đó hay không?

Ông Trần Hoàng Ngân: Trong Luật đã ghi rất cụ thể, người ra quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình nều như dự án đó không phát huy hiệu quả, thậm chí là phải chịu trách nhiệm về mặt hình sự nếu để xảy ra thất thoát gây nghiêm trọng đối với nền kinh tế.

Tôi tin tưởng rằng với những quy định cụ thể, chặt chẽ trong Luật đầu tư công, nếu thực thi nghiêm sẽ mang tới hiệu quả trong đầu tư công thời gian tới.

- Trong thực tế việc sử dụng nguồn vốn ODA vẫn còn nhiều bất cập, ông đánh giá thế nào về sự giám sát của Quốc hội trong thời gian vừa qua?

Ông Trần Hoàng Ngân: Khi giao về các địa phương thì vai trò Hội đồng Nhân dân các cấp của các địa phương sẽ được nâng lên, do đó việc tăng cường công tác giám tối cao của các đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu Hội đồng Nhân dân sẽ giúp cho dự án đó đem lại hiệu quả, phù hợp mục tiêu đưa ra của dự án.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Nhóm PV

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên