Giá dầu giảm, ngân sách chính phủ buồn, các ngành khác "cười tươi"
Đây là nhận xét của chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh trong bối cảnh giá dầu thô đang giảm mạnh, từ trên 100 USD/thùng về dưới 70 USD/thùng.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Việt Nam đang chơi 2 vai, vừa là người xuất khẩu dầu thô nhưng cũng đồng thời là người nhập khẩu xăng.
Do đó, khi giá dầu trên thế giới giảm mạnh hơn 30 USD/thùng và còn có thể hơn nữa trong tương lai, ngân sách sẽ bị hụt thu một khoản lớn. Ở đây, TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh là “hụt thu” chứ không phải là “thâm hụt” hay “mất mát” như tuyên bố của Chính Phủ (với con số giả định 1.000 tỷ nếu như giá dầu giảm 1 USD/thùng). Bởi theo ông, “đã có đâu mà bảo mất”.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo một khía cạnh khác, tức là ở vai trò người nhập khẩu, theo phân tích của ông Ánh, bối cảnh hiện nay rõ ràng đang có lợi cho Việt Nam khi nước ta đang nhập khẩu xăng và nhiều chế phẩm khác từ dầu mỏ như chất dẻo, sợi tổng hợp,…
Khi giá dầu trên thế giới giảm, thì các sản phẩm kia cũng giảm giá theo. Có thể thấy rõ nhất là đối với xăng khi mặt hàng này đã giảm lần thứ 10 (lần gần đây nhất là 22.11) với tổng số tiền lên đến 5.390 đồng/lít (với xăng Ron 92, mức giảm này tương đương với 21%, gần bằng với tỷ lệ giảm của giá dầu trên thị trường thế giới từ đầu năm nay).
Xăng giảm khiến hàng hoá trong xã hội đều giảm mà cụ thể là giá cước giao thông vận tải như taxi đã đồng loạt giảm 500 – 2.000 đồng/km kể từ ngày 14.11. Chính phủ cũng có thêm năng lượng để phát triển phục hồi và từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tóm lại, việc giá dầu giảm mạnh, toàn bộ nền kinh tế được lợi, chỉ có ngân sách chính phủ là buồn, chứ các ngành khác “đều cười tươi” – TS Ánh kết luận.
>>>HSBC: Nhà sản xuất và người tiêu dùng VN sẽ được lợi từ giá dầu giảm
Theo Phương Ánh