MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá điện đã minh bạch?

Những ngày qua, câu chuyện giá điện tăng thêm 5% đã trở thành tâm điểm của dư luận.

Nhà sản xuất lo giá điện tăng sẽ kéo theo giá thành sản phẩm tăng, người tiêu dùng sợ giá điện tăng sẽ kéo theo nhiều hàng hóa khác tăng giá. Và, giá điện có thực sự minh bạch?

Tăng giá điện vì giá than?

Theo thông cáo báo chí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát đi tối 31-7-2013 thì “Kể từ ngày 1-8-2013, giá bán điện bình quân là 1.508,85 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 71,85 đ/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đ/kWh). Việc điều chỉnh giá bán điện lần này để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí. Đặc biệt là giá than từ ngày 20-4-2013 tăng từ 37 đến 41% tùy từng loại than”.

Trao đổi với báo chí, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Với lần tăng giá này, EVN sẽ tăng thu từ 3000 đến 4000 tỷ đồng trong năm nay. Mức thu này chưa đủ để bù chi phí do tăng giá than, bởi riêng việc than tăng giá từ ngày 20-4 đã khiến cho phí giá điện tăng thêm 5000 tỷ đồng, do giá nhiên liệu chiếm 60 đến 70% giá thành sản xuất điện, tùy từng nhà máy.

Ông Đinh Quang Tri cũng khẳng định: “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ không điều chỉnh giá điện lần nào nữa. Chúng tôi phải điều hành giảm chi phí sản xuất, làm sao có khoản lợi nhuận bù cho phần do chi phí than và khí tăng, để đảm bảo năm 2013 không bị lỗ. Đến cuối tháng 12-2013, EVN sẽ tính toán giá thành thực hiện năm 2013 và lộ trình điều chỉnh giá điện năm 2014 để trình Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt”.

Nhà máy thủy điện Sơn La có công suất lớn nhất Đông Nam Á cung cấp điện giá rẻ cho thị trường. Ảnh: Hưng Mạnh.

Các hộ nghèo sử dụng điện sinh hoạt sẽ không tăng chi

Theo EVN, lần điều chỉnh giá bán điện từ ngày 1-8-2013 không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo quy định tại Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp không thay đổi.

Như vậy, các hộ nghèo và thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50kWh/tháng sẽ không tăng chi, các hộ sử dụng điện sinh hoạt 100kWh/tháng tăng chi 6.800 đồng/tháng, sử dụng 150kWh/tháng tăng chi 10.650 đồng/tháng, sử dụng 200kWh/tháng tăng chi 15.500 đồng/tháng…

Như vậy mức tăng chi của giá điện mới so với giá điện cũ không nhiều. Tuy nhiên, với giá điện mới này, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt là 2 ngành thép và xi măng sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng: Tăng giá điện vào thời điểm hiện nay là việc bắt buộc phải làm. Việc tăng giá điện cũng đã được tính toán để làm sao giảm đến mức thấp nhất những tác động đối với nền kinh tế.

Chính vì vậy, mức tăng 5% cũng chỉ bằng khoảng 50% của mức cần phải điều chỉnh, đồng thời mức tăng đó cũng không ảnh hưởng đến những hộ có mức tiêu thụ điện từ 0 đến 50kWh. Về tác động của việc tăng giá điện, theo ông Thỏa, đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá điện tăng 5% sẽ tác động trực tiếp ở vòng 1 làm tăng CPI khoảng 0,123% .

Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

Giá điện là một trong những vấn đề mà các nhà báo quan tâm nhất tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương. Thế nhưng tại cuộc họp báo mới đây ở Bộ này lại không có sự tham dự của đại diện Cục Điều tiết điện lực và EVN. Các câu hỏi về giá điện cũng không được lãnh đạo Bộ Công Thương trả lời. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, sau khi có điều chỉnh tăng giá điện, đại diện EVN đã trả lời trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã trả lời trên… truyền hình.

Vậy nên, Bộ "không giải thích thêm nữa” và “Buổi họp kết thúc ở đây”. Câu trả lời của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khiến cả khán phòng rộ lên vì bất ngờ.

Hàng loạt băn khoăn của người dân sau khi giá điện tăng vẫn chưa được cơ quan quản lý trả lời thỏa đáng. Đặc biệt là vấn đề giá thành sản xuất điện của EVN sau nhiều năm vẫn chưa được công khai, minh bạch. Theo các chuyên gia kinh tế, người dân hoàn toàn không phản đối ngành điện tăng giá để đảm bảo nguồn vốn tái đầu tư.

Tuy nhiên, mọi cái đều phải minh bạch. Ngành điện thường viện dẫn khái niệm “cơ chế thị trường” trước mỗi lần tăng giá điện thì giá thành sản xuất cùng chi phí, cơ cấu nguồn điện, tỷ trọng điện giá rẻ như thế nào cũng cần được công khai.

Mặt khác, với việc tăng bất ngờ “tối hôm trước thông báo, ngày hôm sau đã tăng” đã làm cho nhiều khách hàng “trở tay không kịp”. Giá điện của các công ty ngoài EVN bán cho EVN cũng có sự chênh lệch khá lớn so với giá EVN bán ra. Trong cơ cấu sản lượng điện, các nhà máy thủy điện vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn. Năm nay, dự báo lượng nước phục vụ phát điện của các nhà máy thủy điện lớn hơn mọi năm.

Cung cầu điện năm nay cũng không căng thẳng như những năm trước. Vì thế, các khách hàng sử dụng điện mong muốn được trông thấy ngành điện công khai, minh bạch giá cả, để họ hiểu được mình phải trả thêm tiền vì đâu? Khoản chênh lệnh giữa giá mua của các doanh nghiệp ngoài ngành điện với giá điện bán ra để chi cho những khoản gì?

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, muốn tạo được sự đồng thuận trong xã hội về việc tăng giá điện, việc công khai, minh bạch, nâng cao tính giải trình là nhân tố rất quan trọng. Luật pháp cũng đã quy định rõ điều này.

Theo Đỗ Phú Thọ

cucpth

Quân đội nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên