MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá điện tại Việt Nam rẻ hay đắt?

Nhà điện thấy giá điện Việt Nam rẻ nếu so với các nước trên thế giới. Người tiêu dùng thấy không rẻ vì so sánh với thu nhập hàng tháng của họ. Sẽ là khập khiễng khi hệ quy chiếu khác nhau.

Nhà điện bảo rẻ

Không phải chỉ trong cuộc hội thảo khoa học gần đây, những người đủ quyền được “biết” giá thành sản xuất điện là bao nhiêu, mới nêu lên hiện trạng giá thành sản xuất điện đang thấp hơn giá bán. Trong suốt những năm qua, các chuyên đề nghiên cứu, báo cáo trình Quốc hội, trình Thủ tướng Chính phủ của ngành điện đều có chung một lời đề nghị: phải có giải pháp để thu hút vốn đầu tư vào ngành điện bởi tỷ suất lợi nhuận của các dự án điện thấp quá, không hấp dẫn. Báo cáo trình Quốc hội năm ngoái còn nói rõ là hơn 10 năm nay, không có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào dự án điện ở Việt Nam.

So sánh về con số tuyệt đối, quả là giá điện tại Việt Nam cũng không đắt. Sau lần tăng giá gần nhất (ngày 01/08/2013), giá điện bình quân đang ở mức 1.590 đồng/KWh (khoảng 7,6 cent). Khung giá điện bán lẻ cho sinh hoạt nằm trong khoảng 1.418 – 2.420 đồng/KWh, cho sản xuất từ 792 – 2.542 đồng/KWh. Khung giá điện bán buôn cho cụm dân cư (nông thôn, thành thị) là 1.120 – 2.357 đồng/Kwh, và cho khu công nghiệp là 743 – 2.234 đồng/KWh.

Trong khi đó, giá điện bình quân của một số nước trong khu vực như Trung Quốc đã là 7,5 – 10,7 US cent/kWh, Thái Lan 5- 10 UScent/kWh, Campuchia 21 UScent/kWh, Phillipine 36,13 UScent/kWh…

Người dùng không thích điều này!

Mỗi lần Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phê duyệt tăng giá bán điện (trong vòng 7 năm từ 2007 đến nay, mới tăng… 9 đợt), hay chỉ cần một đại diện lên tiếng về việc giá điện Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với các nước khác, cần tiếp tục tăng trong thời gian tới là người dân lại dậy sóng.

Đơn cử, sau phát biểu vừa rồi của ông Bùi Văn Thạch – Phó trưởng ban Ban kinh tế Trung ương, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả.

(Xem thêm: "Không thể mãi sử dụng điện giá thấp như thế này")

Độc giả Hekesi (Hà Nội) cho rằng thay vì so sánh giá Việt Nam – thế giới, nếu ngành điện đảm bảo chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn thế giới thì việc tăng giá cũng không khiến nhiều người phản ứng như vậy. Độc giả nhận xét “Điện thì hay cắt bừa bãi, điện áp nhiều nơi không đảm bảo, các đường dây điện còn gây nguy hiểm cho người dân”.

Đại diện cho một vấn đề mà rất nhiều người băn khoăn, bạn General (Tp. HCM) đặt câu hỏi: “Vấn đề là giá thành sản xuất điện là bao nhiêu, sao không chịu công khai? Nếu giá sản xuất nhỏ hơn giá bán thì cũng hợp lý thôi, còn nếu nói tăng giá để bằng người ta thì phi lý quá.”

Độc giả Vũ Quốc Tuấn (Hà Nội) viết: “Giá cả hàng hóa không chỉ mang tính khu vực mà còn phụ thuộc vào điều kiện sản xuất (loại trừ yếu tố can thiệp của nhà nước). Vì vậy nước nào có điều kiện sản xuất tốt hơn thì giá cả hàng hóa sẽ rẻ hơn. Tôi nghĩ rằng với giá bán lẻ điện theo bậc thang hiện nay, người dân bình thường đang phải trả giá cao hơn giá bình quân nhà nước quy định để bù đắp cho chính sách hộ nghèo rồi, chứ đâu phải do quỹ nào hỗ trợ đâu.”

Độc giả James Melbourne phát biểu: “So sánh giá một mặt hàng (điện cũng thế) cần so với mức thu nhập trung bình thì mới khả quan được. Công chức nhà nước thu nhập được 5 triệu Việt Nam đồng một tháng (250USD) mà cũng tính giá điện như thế giới (thu nhập vài ba ngàn đô la/tháng), thì có phải là vừa vô duyên lại vừa vô tình không?”

Những vấn đề của giá điện Việt Nam

Tất nhiên trong vai trò là người mua hàng, ai cũng muốn mua được với giá rẻ hơn. Tuy nhiên những ý kiến trên của người tiêu dùng điện không phải không có lý. Khi thống kê một cách đơn giản nhất về giá điện/thu nhập bình quân đầu người của một số nước châu Á với Việt Nam:

(Nguồn: Wikipedia và WB)

Theo đó, so sánh về con số tương đối thì người tiêu dùng điện ở Việt Nam đang phải chi tiêu đắt đỏ hơn so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… và chỉ có vẻ “nhẹ gánh” hơn Campuchia, Philipines, Ấn Độ.

Đó là chưa kể đến việc chưa có con số so sánh về chi phí tiêu dùng cho điện của mỗi người so với thu nhập hàng năm tại mỗi quốc gia.

Dựa vào thông tin của các doanh nghiệp sản xuất điện đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam, người viết thử tính toán đơn giá mà các DN này bán cho EVN. Với những DN không công bố, giá bán điện tính bằng doanh thu bán điện chia cho sản lượng điện thương phẩm.

Theo đó, đơn giá bán điện tính trên 1 KWh của Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) là 1.449 đồng (2012), nhiệt điện Ninh Bình (NBP) là 971 đồng (2011), Nhiệt điện Phả Lại (PPC) là 757 đồng (2011), Thủy điện Nà Lơi (NLC) là 856 đồng (2011), thủy điện Ry Ninh II (RHC) là 849 đồng (2011), thủy điện Thác Bà (TBC) là 644 đồng, Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) là 351 đồng (giá từ 2009 đến nay do chưa đàm phán được với EVN). Hầu hết các DN sản xuất điện này đều chưa thỏa thuận tăng giá bán điện được cho EVN nên đều sử dụng đơn giá từ các năm trước để hạch toán doanh thu cho đến nay.

Với mức giá bán này, tỷ suất lợi nhuận gộp bình quân của các DN nhiệt điện niêm yết trên sàn khoảng 10,7%, của DN thủy điện khoảng 54,3% (2012).

Nếu nhìn một cách “trực quan” so sánh giữa giá mua điện và bán điện trung bình của EVN (1.590 đồng/Kwh) như số liệu trên thì thấy … giá bán cao hơn giá mua vào?

Tất nhiên, EVN không chỉ mua điện từ những DN này. Phần lớn điện được sản xuất bởi các công ty con, các đơn vị trực thuộc của EVN, ngoài ra là nguồn điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, với vị trí là Tập đoàn Điện lực của Quốc gia, EVN còn phải chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khâu truyền tải, phân phối điện.

Song nếu giá thành cao hơn giá bán đến 10% như EVN trình bày thì phải chăng các đơn vị sản xuất trực thuộc EVN hoạt động kém hiệu quả hơn các DN niêm yết?

Tổn thất điện năng cao


Mức tổn thất điện năng của Việt Nam luôn ở trong khoảng 10% (Báo cáo thường niên EVN). PGS, TS. Nguyễn Minh Duệ, Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng cho biết: “Việc giảm được 1% tổn thất điện sẽ làm tăng lợi nhuận lên kinh khủng”.

Do đặc thù của ngành điện, khâu truyền tải, phân phối không thể có nhiều nhà đầu tư nên mặc nhiên đó là độc quyền tự nhiên của ngành điện. Do vậy, Nhà nước quyết định khung giá truyền tải, phân phối điện và khung giá này được hình thành bởi yếu tố chi phí vận hành điều độ phân phối và sản xuất đường dây.

Tuy nhiên trên thực tế khi thực hiện tổng sơ đồ trong các năm vừa qua cũng như tổng sơ đồ trong giai đoạn hiện nay cho thấy có nhiều dự án nhiệt điện, than, tuabin đã triển khai chậm tiến độ do không đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sản xuất của ngành than, khí hoặc kế hoạch nhập khẩu than.

Ví dụ nhà máy nhiệt điện ở khu vực phía Nam xa khu vực mỏ nội địa sử dụng than nội, trong khi nhà máy ở khu vực phía Bắc lại sử dụng than nhập ngoại dẫn đến chi phí vận chuyển than của các dự án tăng cao. Đối với các nhà máy điện tua bin khí, khi tổng sản lượng khí do EVN cam kết bán không đủ cho các nhà máy điện phát đủ công suất thì cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Chi phí sản xuất điện còn phụ thuộc một phần đáng kể vào giá thành trang thiết bị phụ kiện điện lực. Tỷ lệ nội địa hóa máy móc thiết bị ngành điện hiện còn thấp, ví dụ như thiết bị cơ khí của nhà máy thủy điện hiện nay là 20% đến 55%, của các nhà máy nhiệt điện tỷ lệ nội địa hóa chỉ 10%. Nhiều trang thiết bị ngành điện đều phải mua từ nước ngoài.

Chưa đề cập đến vấn đề như lỗ do đầu tư ngoài ngành, các chi phí kể trên thiết nghĩ có thể giảm được, mà chính PGS Duệ cũng nói “tiềm năng để giảm chi phí cho ngành điện còn rất lớn.”

Kết lại

Nhà điện sẽ thấy giá điện Việt Nam rẻ nếu so sánh giá với các nước khác trên thế giới. Người tiêu dùng thấy không rẻ vì so sánh với thu nhập hàng tháng của họ. Sẽ là khập khiễng khi hệ quy chiếu khác nhau như vậy.

Khi nhà điện không công khai giá thành sản xuất để cho người dân thấu hiểu những khó khăn mà ngành điện đang đối mặt, và khi ngay cả chuyên gia trong ngành cũng nhận định rằng giá thành cao có lỗi từ quản trị doanh nghiệp, quản lý chi phí, hoạt động đầu tư… thì không phải người tiêu dùng có lý hơn sao?

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên