Đánh đổi
“ODA không chỉ là tiền” – Khái niệm này được chuyên gia nghiên cứu về ODA Nguyễn Tiến Lập đưa ra đầu tiên, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo ông Lập, ODA là ràng buộc bao gồm cả chính trị và kinh tế, là nhiều cái giá phải trả của người đi vay.
Khái niệm ODA (Viên trợ phát triển chính thức) từ năm 1960 khi được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chính thức định nghĩa tới nay đã trở thành một hiện tượng chính trị - kinh tế toàn cầu. Trong các tuyên bố và cam kết công khai giữa các nhà tài trợ và chính phủ các quốc gia nhận viện trợ, mục đích của ODA thường bao gồm nhiều vấn đề cụ thể như xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị công hay xóa đói giảm nghèo...
Tuy nhiên, ông Lập cho rằng, bản chất sâu xa của các mối quan hệ ODA không đơn giản là sự hỗ trợ một chiều mang tính "thiện chí" như vậy. Ngoài các lợi ích chính trị và kinh tế hai chiều được tính đến, các nhà tài trợ ngày càng quan tâm đến thúc đẩy qúa trình dân chủ hóa, tức vấn đề cải cách nhà nước và thể chế, ở các nước nhận viện trợ.
Động cơ của sự quan tâm này là "dân chủ hóa", điều kiện tiên quyết cho việc xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, căn bản, đồng thời tạo môi trường quan trọng và cần thiết để bảo đảm ổn định và an ninh toàn cầu.
Ngoài những yêu cầu về mặt chính trị, vay nợ ODA đồng nghĩa với việc sẽ bị ràng buộc bởi nhiều điều khoản kinh tế khác.
Ví dụ, vốn ODA của Nhật cho vay luôn đi kèm với điều kiện Việt Nam phải sẽ phải sử dụng công ty tư vấn Nhật, nhà thầu Nhật, vật liệu nhập khẩu từ Nhật.
Vốn STEP, hay còn gọi là vốn có các điều kiện vay đặc biệt dành cho các đối tác kinh tế, lãi suất thấp, thời gian trả nợ và ân hạn kéo dài (có thể lên đến 30-40 năm).
Tuy nhiên, để giải ngân vốn STEP không phải dễ dàng, bởi điều khoản vay bắt buộc sử dụng nhà thầu, vật liệu, dịch vụ của Nhật Bản (chi phí cao hơn rất nhiều lần sử dụng nhà thầu, vật liệu, dịch vụ trong nước). Đó chính là nguyên nhân đẩy giá các công trình ODA lên cao.
“Vay vốn ODA nhưng phải mua lại công nghệ, dịch vụ cao, chi phí đút lót đều được tính vào giá công trình. – Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lưu ý.
Trong một phân tích khi trả lời giới báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã tính toán “60-70% các công trình ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam (tiền Việt Nam trả cho thực hiện dự án) đều vào tay các công ty của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật cho Việt Nam vay vốn ODA và các công ty của họ nhận được lại số vốn đó khi dự án được triển khai tại Việt Nam. Các nước khác như một số nước châu Âu, với dự án ODA họ thường có cơ chế đấu thầu cạnh tranh mở hơn, có thể vốn của châu Âu nhưng không nhất thiết là phải doanh nghiệp châu Âu thực hiện dự án đó.
Cũng chính vì điều này, một số công ty nước ngoài thường "lobby" (vận động hành lang) cho chính phủ của họ để bán hàng cho các dự án ODA nào đó. Khi dự án ODA đó được triển khai họ lấy lại tiền rất nhanh để cho các công ty của họ thực hiện dự án ODA, còn Việt Nam thì gánh nợ ODA rất lớn.”
Tiền đi vay, không tự trên trời rơi xuống
Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Lập, việc sử dụng ODA ở Việt Nam, khác với nhiều quốc gia Nam Á và châu Phi, đã tạo ra những hiệu quả rõ rệt và đầy ấn tượng trong việc duy trì nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế, (trung bình trên 7% kể từ năm 1994) và xóa đói giảm nghèo.
Số liệu của Bộ KHĐT, hiện ở Việt Nam có trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đang hoạt động với tổng vốn ODA cam kết cho Việt Nam từ năm 1993 đến nay là 78,195 tỷ USD. Với một đất nước nghèo như Việt Nam, nhất là khi thu nhập của người dân vẫn ở mức thấp, muốn kiến thiết đất nước thì việc được vay vốn từ các quốc gia bên ngoài là cần thiết .
Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá, Việt Nam sẽ phải cần tới 150 tỷ USD để phát triển hạ tầng cơ sở, do vậy, nguồn vốn ODA còn rất quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu này.
Tuy nhiên, ông Lập cho rằng,“bên cạnh những kết quả tích cực, người ta đang có những đánh giá khác đi hoặc thậm chí ngược lại với các kết quả trên.”
Chẳng hạn – theo ông Lập- đó là việc nghi ngờ tính bền vững của quá trình tăng trưởng kinh tế cao sau khi việc cấp vốn ODA không còn nữa, (theo một số nhà tài trợ, các nguồn vốn ODA có thể sẽ giảm cơ bản và tiến tới cắt hoàn toàn sau khi GDP/đầu người/năm của Việt Nam đạt 1000 USD).
Hay nếu nhìn vào hệ thống các công trình thuộc cơ sở hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế như đường cao tốc, đường sắt, sân bay, cảng, cầu... thì rõ ràng mặc dù cho tới nay hàng chục tỷ USD vốn ODA đã được giải ngân nhưng Việt Nam vẫn hầu như chưa có được những công trình lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
“Vấn đề ở chỗ nhiều công trình hạ tầng có sử dụng vốn ODA nhưng được xây dựng với chất lượng quá kém. Do đó, câu hỏi tiếp theo là Việt Nam sẽ lấy vốn ở đâu để vừa tiếp tục xây dựng mới, đồng thời vừa sửa chữa những công trình hạ tầng có chất lượng kém đó, một khi không còn ODA nữa ?” – Chuyên gia này đặt câu hỏi. Đây cũng là thực tế mà nhiều chuyên gia trong ngành hay đặt ra.
Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Tâm lý vốn ODA là "cho không" hiện chỉ rơi vào các cơ quan Nhà nước, các địa phương. Họ nghĩ vốn này là Nhà nước vay, Nhà nước trả nợ nên họ cứ xin, cứ chạy dự án ODA về cho mình. Gánh nặng nợ nần đã có hơn 90 triệu người dân Việt Nam lo, do vậy yếu tố vay phải trả đã bị xóa nhòa đi, họ không nghĩ là họ phải vay nên nếu có dự án thì họ sẽ có thành tích với địa phương và nếu có tham nhũng thì tiền cũng sẽ vào túi họ, đều có lợi cả." Theo Dân Việt |
Việc sử dụng ODA lãng phí và thất thoát khiến cho đồng vốn đi vay giá cao nhưng lại không phát huy được hiệu quả triệt để. Trái lại, cơ chế quản lí nhiều lỗ hổng, hậu quả là gánh nặng tham nhũng còn đè thêm lên khiến đồng vốn trở nên đắt đỏ nặng nề, trách nhiệm trả nợ của con cháu đi sau trở nên trầm trọng hơn, bức bối hơn.
Nghèo, thiếu tiền mà muốn “đổi vận” thì phải đi vay để đầu tư; nhưng đi vay rồi về tiêu pha vung vãi thì hậu quả rất lớn. Nợ dồn nợ góp, không trả bây giờ thì mai sau cũng phải trả. Đấy là điều tất yếu cuộc sống, điều mà nói ra thì thừa, bởi chắc chắn ai cũng biết.
Thế mới nói, giá người dân có thể tự lực cách sinh để góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, thay vì đi vay rồi về nhà nước quản lí kém hiệu quả, để rơi vãi khắp nơi như hiện tại.
Hồng Anh