MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải quyết khâu “tiền”, nông dân mới có thể thành tỷ phú

Tư duy làm giàu là điều kiện phải có. Nhưng thực sự, có tư duy mà không có vốn, không có tiền thì người nông dân cũng không thể làm gì được.

Khi được hỏi: Việt Nam nên làm gì để tăng lợi thế cạnh tranh, Giáo sư Michael Porter - Chuyên gia về lợi thế cạnh tranh quốc gia của Đại học Harvard (Hoa Kỳ) đã trả lời, hãy tập trung vào nông nghiệp.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn đóng vai trò là bà đỡ vững chắc cho nền kinh tế trước nhiều ảnh hưởng bất lợi từ bên ngoài. Thế nhưng vì sao Việt Nam vẫn quá hiếm những “tỷ phú nông dân”? Vì sao người nông dân vẫn không giàu lên dù Việt Nam xuất khẩu nông sản thuộc hàng “top”?

Tư duy làm giàu là điều kiện phải có. Nhưng thực sự, có tư duy mà không có vốn, không có tiền thì họ cũng không thể làm gì được.

Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu năm nay, nói về các vấn đề nông dân và nông thôn, ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC) nêu ý kiến: giải quyết vấn đề chủ động “tiền” cho người nông dân sẽ trả lời được cho câu hỏi trên. Vậy làm sao để giải quyết vấn đề “tiền” này?

Theo ông Thành, trước hết, nhà nước có thể giải quyết vấn đề chủ động đất đai cho sản xuất quy mô lớn của người nông dân bằng cách khuyến khích thành lập “doanh nghiệp nông nghiệp”.

Hiện nay trong thực tế đã và đang có mô hình trang trại và mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Đây là một hình thức cấp thấp (trước khi chuyển sang mô hình công ty) nhưng cũng đạt một số hiệu quả nhất định như tập trung vốn (chủ động được tiền), tập trung diện tích đất nông nghiệp lớn để có thể tiến hành cơ giới hóa…

Với tư cách chủ thể của một loại mô hình doanh nghiệp, họ sẽ có đủ điều kiện pháp lý vay vốn ngân hàng cả ngắn hạn và dài hạn. Thậm chí, theo ông Thành, sau một thời gian xem xét hoạt động, ngân hàng có thể cho doanh nghiệp nông nghiệp được vay tín chấp một phần nào, thay vì chỉ cho vay trên cơ sở có thế chấp bằng tài sản là ruộng đất.

“Chủ động được nguồn tiền với lãi suất thấp, các doanh nghiệp nông nghiệp để có thể chủ động mua vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu với giá rẻ; chủ động bán sản phẩm sau thu hoạch với giá cao, và cũng không “bán đổ, bán tháo” vì “kẹt” tiền… Điều này khắc phục được tình trạng “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa” – Ông Đặng Đức Thành nhận định.

Đặc biệt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế cho rằng, với tư cách là một tổ chức, các doanh nghiệp nông nghiệp có khả năng dễ dàng tiếp cận những chính sách lãi suất kích cầu, vay ưu đãi, hoặc nhiều ưu đãi khác được triển khai từ phía Nhà nước giúp đỡ cho ngành nông nghiệp, ví dụ như Chương trình tổ chức dạy nghề cho 01 triệu người nông dân hàng năm.

Cũng từ mô hình “doanh nghiệp nông nghiệp”, các doanh nghiệp có điều kiện tổ chức xây dựng thương hiệu, nâng cao trình độ quản lý. Đồng thời trên cơ sở quy mô của mình, doanh nghiệp nông nghiệp dễ dàng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước hơn như thành lập các website giao lưu giữa những người sản xuất và mua bán nông sản phẩm.

Theo ông Thành, để xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn, sử dụng được hết công suất máy móc thì phương pháp nhanh nhất, ít tốn kém nhất là kêu gọi góp vốn thành lập công ty cổ phần trên cơ sở quy ra giá trị quyền sử dụng đất ruộng…

“Chỉ có trên cơ sở đó doanh nghiệp nông nghiệp mới có điều kiện vốn, nguồn nhân lực để từng bước đưa công nghệ sinh học vào sản xuất, phục vụ cho việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hạ giá thành tối đa, tiết kiệm được nhiều chi phí quản lý.”

Ngoài ra, ông Thành cho rằng doanh nghiệp nông nghiệp cần từng bước tiến hành mua bảo hiểm từng vụ, từng mặt hàng nông sản phẩm của mình để đảm bảo giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh – những rủi ro thường trực của ngành sản xuất nông sản phẩm từ nhiều năm nay.

>>> Khó khăn lớn nhất để ký kết TPP là tiếp cận thị trường nông nghiệp, dịch vụ

Mai Linh

trangntm

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên