MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc

Nếu năm 2001, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc chỉ 210 triệu USD (thời điểm trước đó còn xuất siêu qua thị trường này) thì đến cuối năm 2013, con số này đã lên tới hơn 36,9 tỉ USD.

Phụ thuộc nhiều về nguồn nguyên liệu

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan về tình hình nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2013 cho thấy: Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhiều nhất với hơn 6,5 tỉ USD; kế đó là điện thoại các loại và linh kiện (5,69 tỉ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (4,5 tỉ USD); sắt thép các loại (2,3 tỉ USD)…

Không chỉ nguyên vật liệu, máy móc, nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng trong nước sản xuất được, chúng ta vẫn nhập từ Trung Quốc. Dệt may, da giày hiện là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỉ USD nhưng nguồn nguyên phụ liệu, bông, vải, sợi cho sản xuất đều nhập khẩu phần lớn từ Trung Quốc.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2013, ngành dệt may, da giày nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường này đến 1,2 tỉ USD; nhập khẩu vải, bông các loại, xơ, sợi dệt 4,3 tỉ USD. Ngoài ra, một số doanh nghiệp (DN) dệt may nhỏ cũng tìm đến máy móc từ Trung Quốc với giá rẻ.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Garmex Sài Gòn, cho biết: Trước đây, khoảng 70% nguồn nguyên phụ liệu phục vụ hoạt động sản xuất và gia công xuất khẩu, công ty phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến nay, dù nhà nước liên tục khuyến khích tăng tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu ngành dệt may nhưng Garmex vẫn phải nhập khẩu 50% nguyên liệu từ Trung Quốc do đây là “công xưởng của thế giới”. Hơn nữa, năng lực sản xuất của DN trong nước không đáp ứng được.

“Từ 2 năm nay, công ty đã thỏa thuận được với khách hàng Mỹ mua 1 triệu mét vải tại Việt Nam dù giá trong nước nhỉnh hơn Trung Quốc. Hiện công ty cũng thăm dò các thị trường nhập khẩu khác như Malaysia nhưng đây không phải thị trường mạnh về nguyên phụ liệu dệt may” - ông Hùng nói.

Tìm thị trường thay thế

Cũng lệ thuộc đến 80% nguyên liệu nhập khẩu, thời gian gần đây, các DN nhựa chủ động giảm dần tỉ lệ nhập hạt nhựa từ Trung Quốc. Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Rạng Đông, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam - cho biết do thuế nhập khẩu trong các nước ASEAN bằng 0 nên hiện các DN nhựa đã tăng nhập nguyên liệu của các nước trong khu vực, nhất là Singapore.

“Cạnh tranh trong lĩnh vực nhựa và nguyên liệu nhựa khá gay gắt nên nguồn cung dồi dào. Các DN tùy theo chiến lược, nhu cầu của mình mà lựa chọn nhà cung cấp dựa trên tiêu chí chất lượng và giá cả. Hàng Trung Quốc có lợi thế lớn nhất là giá rẻ nhưng đó không còn là ưu tiên hàng đầu để DN lựa chọn. Hiện nguyên liệu nhựa Trung Quốc nhập về Việt Nam phải chịu thuế trung bình 5%, nhiều DN bỏ làm ăn với Trung Quốc vì chất lượng hàng hóa phập phù, đạo đức kinh doanh của họ không tốt…” - ông Lam cho biết.

Với các đơn vị xuất khẩu, thị trường Trung Quốc nhiều tiềm năng nhưng không phải là cánh cửa duy nhất để DN đưa hàng ra thế giới.

Công ty CP Vinamit có thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc với khoảng 60%-70% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, không tỏ ra quan ngại.

Theo ông Viên, chính sách của Trung Quốc là đẩy mạnh bán hàng vào Việt Nam nên giao thương qua đường biên mậu sẽ không ảnh hưởng nhiều. Còn về đường chính ngạch, tự do thương mại đã mở rất nhiều, nơi nào có thị trường tiêu thụ thì hàng hóa các nước sẽ đổ về.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn có thị trường ASEAN, rộng hơn là thị trường châu Á. Việc xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước đang rất thuận tiện. DN có thể xuất khẩu sang các nước ASEAN rồi từ các nước này xuất sang những thị trường khác. Hồng Kông cũng là điểm đến lý tưởng mà những DN Việt nên đặt văn phòng tại đó để tiện giao dịch, buôn bán.

Còn đối với lĩnh vực máy móc thiết bị, lâu nay DN chọn nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng từ Trung Quốc bởi giá rẻ nhưng không bền. Trong khi đó, công nghệ từ các nước phát triển như châu Âu giá lại cao.

Dù vậy, theo ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia dự án hỗ trợ chính sách thương mại đa biên Việt Nam - EU, cho rằng khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, DN xuất khẩu vào châu Âu không chỉ được hưởng thuế suất ưu đãi mà các DN có thể nhập khẩu máy móc công nghệ hiện đại từ châu Âu với mức giá rẻ hơn nhiều so với trước.

Chủ động nguồn nguyên liệu

Câu chuyện phát triển nguồn nguyên liệu nhiều lần được lãnh đạo ngành, Hiệp hội Dệt may đem ra bàn thảo. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực dệt may, Việt Nam có thế mạnh ở khâu sản xuất nhưng rất yếu ở khâu nguyên liệu. Chúng ta không có nhiều đất nên việc quy hoạch vùng trồng bông cho sản xuất dệt là không khả thi.

Đến nay, nguồn bông trong nước chỉ đáp ứng 1% nhu cầu sản xuất trong nước. Thật ra, chúng ta không nhất thiết phải trồng bông để làm sợi. Các hiệp định kinh tế Việt Nam ký với các nước, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), điều kiện ưu đãi xuất khẩu cũng không yêu cầu xuất xứ hàng hóa từ bông mà bắt đầu từ sợi. Làm sao phát triển ngành dệt để cung cấp cho ngành may mặc? Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi phải có chính sách của nhà nước. Hiện những DN đủ năng lực làm dệt không nhiều, chỉ có Thái Tuấn, Phong Phú...

Cũng theo chuyên gia này, trước mắt chưa thể chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, chúng ta có thể tận dụng lợi thế trong việc sử dụng nguyên liệu của các nước trong khu vực. Liên đoàn Dệt may Đông Nam Á (AFTEX) đang có chương trình liên minh dịch vụ trọn gói ASEAN. Theo đó, các nước có thế mạnh về nguyên liệu như Indonesia, Thái Lan sẽ liên kết với Việt Nam là nước có ngành may tốt để tạo chuỗi liên kết.

Với chuỗi này, Việt Nam vừa được hưởng lợi thuế xuất nhập khẩu nguyên liệu đầu vào bằng 0, nếu xuất sang thị trường Nhật và sắp tới là châu Âu sẽ được hưởng thuế suất 0% (theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU).

Trước mắt, các nước ASEAN khó cạnh tranh với Trung Quốc về giá nhưng có thể tăng sức cạnh tranh bằng việc tăng chất lượng. Với việc hưởng thuế 0% ở cả đầu vào và đầu ra, chất lượng nguyên liệu bảo đảm, DN may mặc sẽ lợi nhiều hơn so với mua nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc.

Song song đó, có thể giải bài toán nguyên liệu ngành dệt may bằng cách đẩy mạnh đầu tư cho nguyên liệu hóa dầu mà Việt Nam đang có nhiều lợi thế phát triển. Xơ sợi tổng hợp chiếm khoảng 50%-60% nguyên liệu dệt may.

Hiện ngoài dự án sản xuất xơ sợi tổng hợp của liên doanh Petrolimex - Vinatex Đình Vũ, cả nước có khoảng 6-7 dự án sản xuất xơ sợi polyester, đáp ứng được khoảng 50%-60% nhu cầu xơ sợi tổng hợp cho ngành may mặc và sẽ vươn lên mức 100% nếu có chính sách phát triển tốt.

Với ngành nhựa, các DN đang phải phụ thuộc đến 80% vào nguyên liệu nhập khẩu. Kế hoạch tự cấp nguyên liệu nhựa cũng đã được đem ra bàn thảo từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Theo ông Hồ Đức Lam, các DN nhựa trong nước không đủ lực để đầu tư sản xuất nguyên liệu mà phải kêu gọi sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia. Muốn vậy, cần phải có chính sách ưu đãi đầu tư, các cam kết hỗ trợ của Chính phủ để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Khoảng 5-7 năm nữa, ngành nhựa có thể giảm phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập.

“Một trong những hướng ra để giảm dần sự lệ thuộc nhập siêu từ Trung Quốc là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như TPP, Việt Nam - EU… Hiện 7/8 FTA mà Việt Nam đã tham gia phần lớn ký kết với khu vực châu Á” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Quốc Khánh cho biết.

Chiếm hơn 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 45,74 tỉ USD, tăng 16,9% và nhập khẩu gần 45,1 tỉ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, thị trường nhập khẩu từ châu Á vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu hàng hóa của cả nước với trên 79,8%.

Ngoài ra, Việt Nam phải nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu từ thị trường Đông Á hơn 59,2%, riêng Trung Quốc đã chiếm gần 27,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Theo Thanh Nhân - Thái Phương

thanhhuong

Người Lao động

Trở lên trên