Giảm thiểu lao động trẻ em: Cần định hướng đến từng hộ gia đình
Chỉ có trẻ em làm các công việc mà điều kiện làm việc có hại cho sự phát triển về thể chất, tinh thần, nhân phẩm của trẻ mới vi phạm.
Theo kết quả từ cuộc Điều tra Quốc gia về lao động trẻ em (LĐTE) vừa công bố, hiện cả nước có khoảng 1,75 triệu trẻ em đang làm việc được liệt vào nhóm LĐTE. Phần lớn các em phải lao động cực nhọc trong một môi trường độc hại, nguy hiểm nhưng thù lao thường thấp, các biện pháp bảo hiểm gần như không có, thậm chí các em còn bị bóc lột, không được trả lương, hay bị xâm hại tình dục…
Tại Hội thảo về xây dựng Dự án Hỗ trợ Năng lực phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em (LĐTE) vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều người khẳng định, để hạn chế điều này cần phải có những biện pháp đồng bộ và quyết liệt, đặc biệt cần phải định hướng nhận thức đúng cho từng hộ gia đình có con, em trong độ tuổi này.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng: "Không phải mọi hình thức lao động của trẻ em đều được coi là vi phạm pháp luật về LĐTE. Chỉ có trẻ em làm các công việc mà điều kiện làm việc có hại cho sự phát triển về thể chất, tinh thần, nhân phẩm của trẻ mới vi phạm”.
Theo các nhà hoạt động về quyền trẻ em, cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm và chưa thống nhất một cách hiểu chung về LĐTE. Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới đều dựa vào Công ước và tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đặc biệt là Công ước số 138 làm căn cứ xác định LĐTE. Trong đó thời gian là chuẩn đo chính đối với trẻ từ 5 đến 11 tuổi là 1 giờ/ ngày hoặc 5 giờ/tuần; trẻ từ 12 đến 14 tuổi là 4 giờ/ ngày hoặc 24 giờ/ tuần; từ 14 tuổi đến 17 tuổi là 7 giờ hoặc 42 giờ/tuần. Nếu trẻ lao động trên số giờ này được xếp vào LĐTE. Ngoài ra công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, ảnh hưởng đến đạo đức của các em cũng được xếp vào LĐTE.
Kết quả chính thức từ cuộc Điều tra Quốc gia về LĐTE được công bố tại hội thảo là 18,3 triệu trẻ em từ độ tuổi 5 đến 17 tuổi. Trong đó, khoảng 1,75 triệu trẻ em đang làm việc được thống kê vào nhóm LĐTE; gần 85% sinh sống ở khu vực nông thôn và 15% khu vực thành thị. Xấp xỉ 55% không đi học, trong đó trên 5% chưa từng đến trường. Các em tập trung chủ yếu vào 17 công việc gồm: 11 thuộc khu nông nghiệp; 3 thuộc khu công nghiệp- xây dựng; 3 thuộc khu vực dịch vụ. Địa điểm chủ yếu là cánh đồng, nông trại hoặc vườn cây, tại nhà… Trong tổng số LĐTE có gần 569 ngàn em, chiếm đến 32,4% có thời gian bình quân trên 42 giờ/tuần.
Nhận thức được tầm quan trọng của tương lai trẻ em và giảm thiểu tình trạng LĐTE tại Việt Nam, một số ý kiến khẳng định việc quan trọng nhất là phải nâng cao ý thức của người dân. Trước hết là chính cha mẹ hoặc người bảo hộ trẻ về ý thức lao động của trẻ. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Phó Giám đốc sở LĐTB&XH TP.Hồ Chí Minh cho rằng: "Vai trò của gia đình là rất quan trọng đối với sử dụng LĐTE. Cần nâng cao ý thức của hộ gia đình về huy động trẻ em trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đồng thời, xây dựng các gói hỗ trợ về giáo dục có điều kiện để hộ gia đình cho con em đến trường mà vẫn có nguồn thu nhập thay thế LĐTE”.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo sau vai trò của gia đình, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp khuyến nghị, hệ thống chính sách bảo vệ chăm sóc, tạo điều kiện học nghề cho trẻ em đúng độ tuổi quy định là hết sức cần thiết. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu và xây dựng các biện pháp chế tài mạnh mẽ, tăng cường trách nhiệm đối với việc sử dụng lao động là trẻ em vì đây là đối tượng chưa biết tự bảo vệ mình.
Theo Nguyễn Thanh - Quốc Định