Giảm thuế nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp sản xuất linh kiện gặp khó
Công ty Nội thất Xuân Hòa đã góp vốn 30% vào liên doanh Toyota Boshoku Hà Nội và nhận hợp đồng gia công linh kiện ô tô (ghế ngồi) với doanh thu gia công hàng năm trên 20 tỷ đồng.
- 16-06-2015Sau khi “tạm chững”, nhập khẩu ô tô tháng 5 lấy lại đà tăng
- 05-06-2015Công nghiệp ôtô Việt Nam đang đứng ở "ngã ba đường"
- 04-06-2015Ôtô từ ASEAN có ồ ạt vào Việt Nam?
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan thuộc khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm về 0%.
Đây là điều đã được người tiêu dùng bàn luận suốt những năm qua với kỳ vọng về khả năng “được” mua xe nhập khẩu giá rẻ. Nhưng đi cùng với đó là nỗi lo của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp sản xuất phụ kiện ô tô khi sức ép từ thị trường nhập khẩu ngày càng lớn.
Lượng ô tô nhập khẩu kỷ lục tràn vào Việt Nam
Theo nhận định của các chuyên gia, với lộ trình cắt giảm thuế này, hàng loạt xe từ các nước Đông Nam Á sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam với giá thành rẻ hơn nhiều so với hiện nay. Và theo đó, ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong nước vốn đã yếu sẽ lại càng khó khăn trước cơn bão nhập khẩu xe ôtô từ các nước trong khu vực.
Mới đây, Bộ tài chính đã đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô để bảo đảm bình đẳng về giá tính thuế giữa ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu sản xuất trong nước trước bối cảnh thuế nhập khẩu được cắt giảm mạnh. Qua đó, theo Bộ tài chính , ô tô sản xuất trong nước có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, đề xuất này đã khiến cho cả doanh nghiệp nhập khẩu xe lẫn doanh nghiệp lắp ráp phản đối quyết liệt do làm tăng giá bán và chưa “hạ hồi phân giải”.
Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng ôtô nhập khẩu của cả nước trong năm 2014 đã đạt hơn 71.000 chiếc với trị giá hơn 1,5 tỷ USD - đây là con số kỷ lục cả về số lượng và giá trị. So với năm 2013, nhập khẩu xe nguyên chiếc tăng 102% về số lượng và tăng 119% về giá trị.
Nhưng chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam đạt 45.000 chiếc với giá trị 1,22 tỷ USD; tăng 225,3% về lượng và tăng tới 285,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Cụ thể hơn, số liệu 4 tháng đầu năm 2015 cho thấy, lượng xe ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu là hơn 35.000 chiếc - tăng 131% so với cùng kỳ năm trước. Lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc tăng đáng kể với 8,86 nghìn chiếc; tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản… đều tăng trên dưới 200%.
Những con số này đã nói lên sự xâm nhập ngày càng lớn của xe nhập khẩu vào Việt Nam. Mới đây, doanh nghiệp Toyota đã lên tiếng về khả năng ngừng hoạt động sản xuất, lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam để tiến hành nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô không đứng ngoài sự khó khăn chung
Câu chuyện về các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước sức ép hội nhập đã được bàn luận nhiều lần nhưng bên cạnh đó, không thể không nhắc đến doanh nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện, phụ kiện cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Hiện nay, số các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng cho ôtô chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (từ 5-6%) trên tổng số các doanh nghiệp cơ khí. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp đơn thuần sản xuất những linh kiện, phụ tùng như ắc quy, săm lốp, dây điện, ghế, khung bệ, vỏ ôtô...
Dù đây chỉ là một ngành nhỏ và được đánh giá là chưa phát triển nhưng trong trường hợp các nhà sản xuất chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc và hoạt động của các doanh nghiệp lắp ráp bị thu hẹp thì những đơn vị sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô không tránh khỏi sự khó khăn liên đới.
Có thể nhắc đến một doanh nghiệp là Công ty Nội thất Xuân Hòa. Công ty này đã góp vốn 30% vào liên doanh Toyota Boshoku Hà Nội và nhận hợp đồng gia công linh kiện ô tô (ghế ngồi) cho liên doanh này với doanh thu gia công hàng năm trên 20 tỷ đồng.
Trong bản công bố thông tin về phương án cổ phần hóa, Xuân Hòa đã thừa nhận một khó khăn mà công ty phải đối mặt là việc liên doanh Toyota Boshoku Hà Nội có thể sẽ chuyển hướng từ sản xuất sang nhập khẩu cho phù hợp với xu thế và áp lực cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập quốc tế. Hoạt động gia công linh kiện ô tô cho liên doanh này có thể sẽ không còn được như thời gian trước.
Không những thế, bên cạnh việc thị trường có khả năng bị thu hẹp bởi lộ trình giảm thuế, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô Việt Nam còn có nguy cơ đối mặt với sự cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan.
Mới đây, ông Andy Wei, Giám đốc Công ty TNHH Ekeen Precision - nhà sản xuất linh phụ kiện ô tô và xe máy lớn của Đài Loan cung cấp cho thị trường ô tô ở Trung Quốc, Nhật và châu Âu cho biết công ty ông đã có nhà máy sản xuất phụ tùng xe máy ở Việt Nam tại khu vực phía Bắc và đang khảo sát thị trường để xem xét khả năng mở rộng sản xuất linh kiện ô tô.
Giải pháp cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam dường như chưa thể có?