MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm tiền trợ giá xe bus loại 12 chỗ: Doanh nghiệp đi về đâu?

Theo phản ánh của các DN, tiền trợ giá xe bus đã được điều chỉnh vài lần nhưng chưa lần nào lại giảm xuống quá thấp tới mức 40%- 78% như mức điều chỉnh lần này.

Lẽ ra quyết định giảm tiền trợ giá cho xe bus nhóm 1 (loại 12 chỗ) được Sở Giao thông Vận tải (Sở GTVT) TP/HCM áp dụng từ ngày 20/9/2011. Nhưng vì một số lý do nên Sở GTVT gia hạn tới ngày 31/10/2011. Nếu như quyết định này được triển khai sẽ đẩy hàng chục Hợp tác xã (HTX) vận tải hành khách công cộng bằng xe bus vào con đường phá sản.

Theo chủ trương của Sở GTVT thành phố, Sở và Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng rà soát quản lý lại toàn bộ xe 12 chỗ bằng cách đánh giá hiệu quả của từng tuyến. Và tuyến nào ít hiệu quả sẽ cắt hoặc tạm ngưng trợ giá, còn các tuyến khác đều giảm trợ giá.

Giảm tới 78%

Theo phản ánh của đại diện các HTX thì tiêu chí đánh giá đơn vị nào không đạt, tuyến nào không đạt chưa rõ ràng. Đơn cử, cách tính hành khách/km là một tiêu chí đánh giá nhưng chỉ nên áp dụng cho một số tuyến chứ không thể áp dụng đại trà. Vì cách tính này không chính xác để quyết định tuyến đó hoạt động hiệu quả hay không, làm cơ sở để tính tiền trợ giá.

Hơn nữa, theo phản ánh của các DN, tiền trợ giá xe bus đã được điều chỉnh vài lần nhưng chưa lần nào lại giảm xuống quá thấp tới mức 40%- 78% như mức điều chỉnh lần này, khiến các HTX xe bus như “ngồi trên đống lửa”. Còn nhớ, lần điều chỉnh gần đây nhất là tháng 10. 2009, UBND TP HCM ban hành quyết định 77 về đơn giá chi phí vận chuyển hành khách công cộng bằng xe bus trên địa bàn thành phố. Với mức trợ giá cho xe nhóm 1 là 4.171 đồng/ km, thấp hơn đơn giá cũ (theo quyết định 44 ban hành năm 2008) là 1.280 đồng/ km; xe nhóm 2 là 8.816 đồng/ km, thấp hơn đơn giá cũ là 188 đồng/ km. Tuy nhiên, quyết định này lại có hiệu lực áp dụng cho tất cả các HTX ngay từ ngày 1/1/2009 mặc dù tới tháng 10 năm 2009 mới ban hành, khiến các DN xe bus chịu thiệt thòi suốt mấy tháng. Thế nhưng, ở vào thời điểm đó mặc dù giá nhiên liệu tăng, tiền lương chi trả cho nhân viên cũng tăng nhưng các DN xe bus vẫn “sống được” với mức giá trợ giá ấy.

Còn lần này, mức trợ giá giảm xuống mạnh, trung bình ở mức 2.100 đồng/km, tức là giảm 2.071 đồng/ km so với mức trợ giá quyết định 77 ban hành. Đặc biệt có những tuyến như tuyến Phú Định- Bình Trị Đông (của HTX số 14) cự ly 10,6 km, mức trợ giá hiện nay là 34.289 đồng/chuyến, dự kiến giảm xuống 7.725 đồng/chuyến -giảm 77,47%. Nếu tính về số tiền trợ giá/ km thì tuyến này chỉ còn được hưởng 728 đồng/ km. Thậm chí một số tuyến như: BX Miền Tây- Lê Minh Xuân; BX Chợ Lớn- Bình Hưng Hòa ngưng không trợ giá.

Nhiều DN có thể bị... “khai tử”

Trước đề xuất này của Trung tâm quản lý xe bus, nhiều HTX đã bày tỏ sự bức xúc. Ông Nguyễn Chí Mạnh - Chủ nhiệm HTX Vận tải số 14 cho rằng: Số tiền trợ giá giảm mạnh, có tuyến tới 78% so với số tiền trợ giá hiện hành, thậm chí có những tuyến cắt luôn đang gây ra những nỗi băn khoăn, lo lắng cho các HTX xe bus. Bởi hiện chi phí cho vận tải xe bus cũng tăng hơn trước, với mức trợ giá như hiện nay, khéo xoay lắm cũng chỉ đủ chi trả... Nếu giảm xuống hơn một nửa, chắc chắn HTX chỉ còn nước bán xe. Cũng theo ông Mạnh, ngay cả việc bán xe vào thời điểm này cũng khó khăn vì xe bus không dễ bán. Hơn nữa, tiền trợ giá giảm, hỏi có DN nào dám mạo hiểm đầu tư vào loại xe bus 12 chỗ này nữa - ông Mạnh băn khoăn.

Đồng quan điểm trên, ông Tư Chiểu, Chủ nhiệm HTX Bà Chiểu - Chợ Lớn tính toán: hiện toàn HTX có 206 xe, trong đó loại 12 chỗ chiếm 106 chiếc. Theo tính toán, hiện chi phí cho tài xế chạy 1 ngày không dưới 250.000 đồng, xăng 10 chuyến/ngày/1 xe không dưới 300.000 ngàn đồng, đó là chưa kể chi phí bảo hiểm, bảo trì phương tiện... Trong khi, với mức giá thỏa thuận khi giảm trợ giá là 5.000 đồng/vé. Giả sử trung bình một ngày 1 xe bán được 100 vé cho doanh thu 500.000 đồng. Như vậy, giảm mức trợ giá, thua lỗ là điều tất yếu, DN không thể sống được.

Một nghịch lý nữa là toàn thành phố hiện chỉ còn 527 xe bus 12 chỗ hoạt động trên gần 20 tuyến. Số tiền trợ giá cho loại xe 12 chỗ này ở vào mức 4% (53 tỷ đồng/ năm so với hơn 1.200 tỷ đồng/năm). Trong khi đó, loại xe này đóng góp 5% sản lượng hành khách trên toàn hệ thống xe bus. Vì thế, việc Trung tâm quản lý và điều hành xe bus đưa ra lý do là loại xe này hiện thiếu hiệu quả nên cắt giảm trợ giá cần phải được xem xét lại.

Trái với quan điểm của Trung tâm, đại diện một số HTX lại cho rằng: các tuyến xe nhỏ hiện vẫn hoạt động khá hiệu quả, làm nhiệm vụ trung chuyển hành khách từ các tuyến ngõ ngách ra đường lớn. Cụ thể, như tuyến 46, tuyến 56 của HTX Bà Chiểu - Chợ Lớn vẫn đông khách, mà nếu các tuyến này không hoạt động nữa thì hành khách không biết đi lại bằng phương tiện gì.

Đại diện cho các HTX xe bus, ông Tư Chiểu mong muốn được kiến nghị: “Sở GTVT cũng như Trung tâm Quản lý và Điều hành nên áp dụng mức giảm trợ giá 15 - 20%, tạo một cơ hội cho DN hoạt động, chứ như mức đề xuất, DN xe bus chắc không có lối thoát”.

Xe bus 12 chỗ là loại xe được đưa vào sử dụng lần đầu tiên tại TP HCM ngay từ năm 2002. Trước cả đề án 1318 xe bus của thành phố năm 2004. Loại xe này đã từng một thời trở thành đội quân chủ lực có những đóng góp rất quan trọng cho việc vận chuyển hành khách bằng xe bus. Tuy nhiên, ngay từ khi tiên phong đi vào hoạt đông, đã gặp rất nhiều khó khăn do không được ưu đãi trợ lãi (vay tiền ngân hàng nhưng không được hỗ trợ lãi xuất như đề án 1318 xe bus sau này). Trải qua nhiều phen “bầm dập”, cụ thể là theo Điều 7, Nghị định 110 của Chính phủ từ năm 2006: “Chỉ có xe 17 ghế trở lên mới được coi là xe bus”, khiến cho gần 800 xe bus loại nhỏ 12 chỗ của TP HCM đứng trước nguy cơ bị loại bỏ. Sau đó, đầu năm 2007, thành phố buộc phải xin phép cho tồn tại loại xe này đến hết năm 2008. Sau đó, thành phố lại tiếp tục kiến nghị cho xe này hoạt động tới cuối năm 2010...

Có lẽ lần này, với mức tiền trợ giá giảm xuống quá thấp thì nguy cơ loại xe nhóm 1 này bị loại khỏi cuộc chơi là điều tất yếu!

Theo Nguyễn Thành

DDDN

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên