MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giật mình siêu dự án!

Có một thực tế được khẳng định bằng các số liệu là đầu tư công không hiệu quả bằng các nguồn đầu tư khác.

Có thể nói Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đường Hồ Chí Minh, Thủy điện Sơn La... là những siêu dự án của nước ta bởi tổng vốn đầu tư “nhỏ” nhất trong các dự án này là thủy điện Sơn La cũng lên tới hơn 60.000 tỉ đồng, tức khoảng gần 3 tỉ USD tính theo thời giá lúc này.

Những siêu dự án ở nước ta không chỉ gây ấn tượng về tổng vốn đầu tư mà còn về khả năng... tăng vốn. Ngay tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét, bàn thảo để đi đến quyết định có đồng ý với đề nghị tăng thêm vài chục ngàn tỉ đồng đầu tư cho dự án đường Hồ Chí Minh hay không. Theo đề nghị, sẽ bổ sung 24.000 tỉ đồng nữa từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nâng tổng đầu tư dự án lên hơn 103.000 tỉ đồng, tăng gần 3 lần so với dự toán trong quy hoạch tổng thể năm 2007.

Trong trường hợp Quốc hội chấp thuận đề nghị trên thì dự án đường Hồ Chí Minh nằm trong nhiều siêu dự án từng được Quốc hội “quyết” nâng tổng mức vốn đầu tư theo đề nghị của Chính phủ. Trước đó, tổng mức đầu tư của dự án Thủy điện Sơn La cũng “đội” lên thêm 14.000 tỉ đồng, tăng 39% so với dự toán ban đầu. Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dự trù tổng mức đầu tư ban đầu là 1,5 tỉ USD song cuối cùng thì vốn đầu tư thực tế vọt lên hơn 3 tỉ USD, tức là gấp 2 lần.

Có nhiều nguyên nhân, lý do đưa ra để giải thích vì sao có sự chênh lệch lớn, thậm chí rất lớn, về dự toán và quyết toán các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, trong đó có những siêu dự án. Nhưng ít thấy ai chỉ ra là có phải dự toán thấp để thấy dự án hiệu quả hay không và tăng vốn đầu tư như vậy thì dự án còn có hiệu quả?

Tuy nhiên, có một thực tế được khẳng định bằng các số liệu là đầu tư công không hiệu quả bằng các nguồn đầu tư khác. Nói cách khác, đầu tư công đang ngốn một khoản ngân sách không nhỏ trong bối cảnh “tấm chăn ngân sách” eo hẹp, co chỗ này thì hở chỗ kia.

Cách đây hơn 1 năm, dư luận cả nước, nhất là những người làm công ăn lương, từng xôn xao trước việc Bộ Tài chính đề xuất chưa tăng lương theo lộ trình với lý do không bố trí được nguồn. “Tấm chăn ngân sách” xem ra càng eo hẹp hơn khi số liệu công bố mới đây tại Quốc hội cho thấy ngân sách năm nay hụt thu tới hơn 63.000 tỉ đồng.

Ngân sách hụt thu có nghĩa là sẽ càng phải cắt giảm hơn nữa chi ngân sách đi đôi với việc nới trần bội chi. Những lúc như thế này mới thấy 1 đồng ngân sách kiếm được khó và quý thế nào. Và cũng càng phải thấy chi ngân sách sao cho tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất. Trong bối cảnh đó, ai mà không giật mình trước những siêu dự án mà mỗi lần điều chỉnh vốn đầu tư công đã ngốn thêm cả chục ngàn tỉ đồng.

Theo PHAN ĐĂNG

thunm

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên