Gỡ "điểm nghẽn" nhân lực GTVT
Thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực- một trong 3 khâu đột phá chiến lược, ngành GTVT đang tổ chức, sắp xếp, xây dựng lại kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực, sử dụng đúng người, đúng việc, động viên kịp thời.
Toàn ngành GTVT đang có sự chuyển biến lớn để sắp xếp tái cơ cấu lại và hoạt động toàn diện hơn. Chính lúc này, qua nắm bắt ở các đơn vị, ông đánh giá đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu của nguồn nhân lực ngành GTVT hiện nay?
GTVT là ngành kinh tế - kỹ thuật có nhiều ngành nghề đặc thù. Do đó, nguồn nhân lực khắp nơi được đào tạo về GTVT, cả trong và ngoài nước, chủ yếu phục vụ cho ngành GTVT. Điểm mạnh rõ ràng là nguồn nhân lực rất đông đảo, được đào tạo cơ bản, chính quy. Hoạt động hàng không của Việt Nam hội nhập và đáp ứng được các tiêu chuẩn của hàng không thế giới.
"Doanh nghiệp làm ăn phải tối ưu hóa lợi nhuận. Quản lý Nhà nước quan tâm tối ưu hóa chất lượng. Đây như một cuộc chiến đấu, mà những doanh nghiệp làm ăn giỏi mới có thể tìm được điểm gặp gỡ để hòa hoãn, thỏa mãn được cả 2 mục tiêu. Những doanh nghiệp yếu kém, làm ăn không ra sao, chất lượng dự án cuối cùng không tốt, ngày hôm nay có thể còn tồn tại song ngày mai sẽ bị loại”. Ông Đỗ Nga Việt |
Tuy nhiên, ngành GTVT vẫn còn có những mảng hoạt động, những bộ phận do bao cấp, khép kín, quản lý lỏng lẻo trong nhiều năm làm cho trì trệ, chẳng hạn như ngành Đường sắt, mảng quản lý vận tải… Quản lý, chỉ đạo của ngành đang phải tập trung vào những nơi đó, để thay đổi, cơ cấu lại từ sử dụng nhân sự, bố trí lao động, cho đến đổi mới vận hành bộ máy, đổi mới xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Tháo gỡ những điểm nghẽn này, trong hơn hai năm lại đây, ngành GTVT chú trọng đến phát triển hài hòa. Vấn đề được Ngành tập trung quyết liệt suốt từ hai năm nay là tổ chức, sắp xếp lại, xây dựng lại kế hoạch, sử dụng đúng người, đúng việc. Mọi việc đang thay đổi rất tích cực.
Đổi mới quản lý tạo môi trường làm việc tốt nhất sẽ sử dụng được tốt nhất nguồn nhân lực. Vấn đề quan trọng nhất là người lãnh đạo, phải định hướng được, kêu gọi được người ta đi theo mình làm việc, cống hiến - thậm chí là tận hiến, như cách nói của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ngành GTVT bây giờ đang là như thế.
Đội ngũ kỹ sư và công nhân ngành Giao thông đang tạo nên những công trình hiện đại với yêu cầu kỹ thuật cao |
Thù lao đúng mức, đãi ngộ hấp dẫn mới giữ được lao động
Công nhân chỉ mất việc khi không đáp ứng nhu cầu. Nhà đầu tư mua lại doanh nghiệp chắc chắn nghĩ đến thợ giỏi, nghề hay của doanh nghiệp. Theo tôi, đây là một giá trị lớn được tính đến của các doanh nghiệp ngành GTVT trên thị trường. Người lao động có chuyên môn nghiệp vụ cao, có ý thức kỉ luật, chăm chỉ làm việc, ông chủ nào cũng cần.
Làm ăn muốn hiệu quả, nghĩ đến sản xuất, không ông chủ nào lại không nghĩ tới người lao động, không ai muốn sa thải hết lao động, chỉ trừ những ông muốn lấy đất làm bất động sản. Còn chủ tốt, muốn giữ được người giỏi, phải biết động viên, sử dụng người, trả thù lao đúng mức, đãi ngộ hấp dẫn để không bị chảy máu chất xám.
Đương nhiên, lâu nay lao động gián tiếp vốn đã dư thừa khá lớn trong các doanh nghiệp Nhà nước, trong quá trình chuyển đổi, cơ cấu lại lao động, những người không thích ứng được, số lượng lao động dư thừa sẽ phải nghỉ việc, giải quyết chế độ theo Luật Lao động. Việc này tôi nghĩ sẽ diễn ra trong thời gian tới, số lượng sẽ không ít.
Trước đây, các trường đào tạo nghề, đào tạo công nhân kỹ thuật của ngành GTVT hoạt động sôi nổi, số lượng đào tạo lớn, song hiện nay đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không có học sinh. Trong khi trên các công trường dự án xây dựng giao thông, trong công tác duy tu bảo trì đường sá,… hiện sử dụng rất nhiều lao động phổ thông. Theo ông có cần quy định, yêu cầu cụ thể hơn về chất lượng, tay nghề lao động tại khu vực này không?
Các trường nghề trước đây được bao cấp, Nhà nước hỗ trợ, đào tạo lấy kinh phí, thì giờ phải mất đi thôi. Các trường nghề bây giờ cơ chế hoạt động không khác doanh nghiệp, do vậy mà trường nào đào tạo thực sự chất lượng, nhạy bén với thị trường vẫn tồn tại được.
Ngành GTVT chưa bao giờ thôi cần công nhân lành nghề. Nhiều tổng công ty đã liên kết, đặt hàng các trường có uy tín để đào tạo công nhân cho doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều đơn vị còn tuyển chọn công nhân, đưa đi làm việc ở nước ngoài để học tập rèn luyện tác phong lao động công nghiệp, sau đó quay trở về làm nòng cốt cho doanh nghiệp.
Để làm ăn hiệu quả, các nhà quản lý doanh nghiệp phải tính toán, cân nhắc, cần thuê lao động có trình độ thì tuyển người có trình độ. Cần lao động giản đơn thì tuyển lao động giản đơn. Cần sắm máy móc cơ giới để thay thế con người, tinh giản nhân lực mà đáp ứng chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn, không ít doanh nghiệp cũng sẵn sàng đầu tư.
Với quản lý Nhà nước, quan trọng là chế tài kiểm tra, kiểm soát chất lượng, phải làm cho doanh nghiệp không dám làm ẩu làm kém, chứ không cần quy định tỉ lệ cơ cấu nhân công trong dự án. Đó là chuyện của doanh nghiệp.