MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn của tôi: Ngân sách và mức bội chi 224.000 tỷ

Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp dự báo thế nào về mức bội chi ngân sách năm nay?

Năm 2013, bội chi ngân sách nhà nước về đích sau khi điều chỉnh mục tiêu lên mức 5,3% GDP. Về mục tiêu của năm 2014, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm nay là 782.700 tỷ đồng và tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 17,2% GDP.

Trong khi đó, về chi ngân sách, dự toán chi năm 2014 là 1.006.700 tỷ đồng, tăng 28.700 tỷ đồng (2,9%) so với dự toán năm 2013. Mức bội chi ngân sách mục tiêu năm 2014 vẫn là 5,3% GDP, tương đương 224.000 tỷ đồng.

Để có thêm góc nhìn đa chiều, chuyên mục “Góc nhìn của tôi” kỳ này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu phần dự báo liên quan đến chỉ tiêu bội chi ngân sách năm 2014 của 16 người, trong đó có 11 chuyên gia và 5 đại diện doanh nghiệp.

Số đông tin giữ được mục tiêu

Góc nhìn của tôi: Ngân sách và mức bội chi 224.000 tỷ 1

Kết quả khảo sát do chúng tôi thực hiện cho thấy, có 6 chuyên gia, đại diện doanh nghiệp (TS. Vũ Đình Ánh, GS.TS Trần Thọ Đạt, TS. Cao Sỹ Kiêm, TS. Lê Xuân Nghĩa, ông Đỗ Minh Phú, TS. Lê Anh Tuấn), chiếm 37,5% số người được hỏi, cho rằng bội chi ngân sách năm nay sẽ giữ được mục tiêu 5,3% GDP.

Ở một góc nhìn lạc quan, có 4 chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, chiếm 25% số người được hỏi, lại dự báo bội chi ngân sách năm nay sẽ thấp hơn mục tiêu 5,3%. Cụ thể, TS. Lê Đăng Doanh, TS.Vũ Nhữ Thăng, ông Nguyễn Thành Long dự báo bội chi ngân sách năm 2014 ở mức khoảng 5% GDP, riêng ông Văn Đức Mười dự báo chỉ 4,5% GDP.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Quách Mạnh Hào và TS. Võ Trí Thành lại dự báo bội chi ngân sách năm nay từ 5,3% đến 5,5% GDP. Sự lựa chọn của 3 vị chuyên gia này cho thấy con số 5,3% cũng có thế đạt được, tuy nhiên, thiên hướng dự báo vẫn để ngỏ mức độ bội chi cao hơn mục tiêu đã đề ra.

Tuy vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu, ông Mai Hữu Tín, ông Lê Phước Vũ lại đưa ra dự báo con số bội chi từ 5,5% trở lên. Đây là mức dự báo cao nhất trong số 16 chuyên gia, đại diện doanh nghiệp phản hồi quan điểm với chúng tôi.

Như vậy, phần lớn chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đều dự báo mức bội chi ngân sách năm nay có thể sẽ trong mục tiêu đề ra.

“Sẽ tạo sức lan toả lớn tới nền kinh tế”

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thâm hụt ngân sách của Chính phủ là một vấn đề trở nên quan trọng. Lý do là vì trong những năm gần đây, nguồn thu giảm đi do doanh nghiệp suy yếu, đồng thời chi tiêu của Chính phủ đã không giảm tương ứng với nguồn thu.

“Chính phủ sẽ phải vay nợ nhiều hơn nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường vốn. Tác động của thâm hụt thường không ảnh hưởng trực tiếp ngay đến nền kinh tế, nhưng nó tạo ra những rủi ro tiềm tàng”, ông Thành nói với chúng tôi.

Ông dẫn ví dụ, giữ lãi suất ở mức cao mà đáng lẽ ra có thể hạ được xuống để hỗ trợ doanh nghiệp, hoặc tạo mối hoài nghi lạm phát sẽ quay trở lại vì người dân lo sợ Chính phủ phát hành tín dụng dễ dãi hoặc thậm chí phát hành tiền một cách lặng lẽ.

“Điều này có thể không thật xảy ra trong năm 2014 nhưng nó vẫn làm nhiều người lo ngại, e dè. Đó là điều tối kỵ trong kinh tế thị trường vì nó làm giảm lưu lượng các hoạt động kinh tế”, ông Thành nói.

Liên quan đến việc nâng trần bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2013-2014, trong thời gian gần đây, đã có nhiều diễn đàn trao đổi và cũng có ý kiến quan ngại về việc này có khả năng tác động đến tính bền vững của tài khoá và an ninh tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), trong điều kiện kinh tế vĩ mô năm 2012-2013 cũng như dự báo năm 2014-2015 thì cần xem xét dưới nhiều giác độ, đặc biệt là cơ sở thực tiễn, để minh chứng cho tính hợp lý và khả thi nâng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 và năm 2014 lên 5,3% GDP.

TS. Vũ Nhữ Thăng cho rằng, hiện nay tổng cầu vẫn đang yếu, đầu tư xã hội giảm, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, mức độ cải thiện việc làm chưa đạt mục tiêu… Trong khi đó, Chính phủ đã sử dụng các công cụ thuế và cần có thời gian để phát huy tác dụng, thì việc tăng đầu tư trong ngắn hạn thông qua vay nợ cũng là một giải pháp để phục hồi tăng trưởng.

Bên cạnh đó, tăng bội chi ngân sách nhà nước để tăng chi đầu tư từ ngân sách nhà nước, kể cả trái phiếu Chính phủ cho các dự án trọng điểm sẽ tạo sức lan toả lớn tới nền kinh tế, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng tích luỹ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Cũng theo ông Thăng, bên cạnh việc khôi phục tổng đầu tư xã hội thông qua đầu tư công thì những giải pháp của chính sách tài khóa liên quan đến thuế quan cũng sẽ góp phần thu hút và khuyến khích đầu tư tư nhân trong trung hạn.

“Do đó, việc nâng trần bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2013-2014 là một giải pháp đúng đắn, kịp thời để hỗ trợ tổng cầu trong nền kinh tế, và từ năm 2015 sẽ điều chỉnh để giảm dần tỷ lệ bội chi”, TS. Vũ Nhữ Thăng nói.
Theo Duy Cường

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên