Góc nhìn doanh nhân: Doanh nghiệp tư nhân bao giờ là trụ cột tăng trưởng?
Vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân trong tổng thể nền kinh tế là không thể phủ nhận. Số liệu thống kê cho thấy, hiện nền kinh tế Việt Nam với trên 50% GDP từ đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân cho thấy khối này đang có vai trò to lớn trong nền kinh tế.
- 24-02-2016Năm 2035, người Việt Nam sẽ có thu nhập bằng Thái Lan, Malaysia hiện tại
- 22-02-2016Những điều chưa biết về Báo cáo Việt Nam 2035 sắp công bố
- 17-12-2015Tăng trưởng 5%/năm, đến năm 2035 GDP Việt Nam vẫn kém xa GDP hiện nay của Thái Lan
Trong báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” mới công bố của World Bank nhằm gợi ý các bước đưa Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình cao trong vòng 2 thập kỷ tới đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khối doanh nghiệp tư nhân.
Báo cáo cho rằng Việt Nam cần xây dựng khu vực này với khả năng cạnh tranh cao. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho khối doanh nghiệp tư nhân cũng được World Bank xác định là 1 trong 3 trụ cột quan trọng giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn tới.
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, những cơ hội khi Việt Nam gia nhập TPP, AEC, các Hiệp định FTA thế hệ mới đang tạo điều kiện rộng rãi để xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ với điều kiện thuận lợi. Nhưng các Hiệp định FTA đang và sẽ thi hành cũng đặt Việt Nam ở vị thế trực tiếp cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Điều này sẽ làm cho khó khăn nội tại trở nên gay gắt hơn, bởi hầu hết các DN nội địa thuộc khu vực tư nhân là DN nhỏ và vừa với quy mô DN trung bình chỉ khoảng 30 công nhân, quy mô vốn và tài sản, trình độ KHCN cũng khá thấp.
Do đó, nếu chỉ “liên kết trong nhà” sẽ khó cạnh tranh ngay trong thị trường AEC, và càng khó hơn khi tham gia TPP. Trong khi đó, nếu muốn mở ra liên kết với các nền kinh tế lớn, công nghệ cao của TPP thì tiềm lực về vốn, công nghệ và nhân lực trong tình trạng năng lực của DN Việt hiện nay sẽ khó hình thành các đơn vị có khả năng tham gia cạnh tranh bình đẳng.
Mặt khác, những kinh nghiệm giao thương quốc tế còn nhiều hạn chế, trình độ ngoại ngữ, pháp lý v.v... còn nhiều yếu kém sẽ làm cho khả năng hội nhập của doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các DN đều cho rằng việc các nhà đầu tư nước ngoài vào cạnh tranh với các DN trong nước, phòng vệ thương mại hay hàng rào kỹ thuật sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến tăng trưởng của DN trong thời gian tới…. Đó là những điểm yếu mà doanh nghiệp tư nhân đang cần sự hỗ trợ tích cực để có lực tham gia hội nhập.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn là sự can đảm vượt qua được chính mình khi đối đầu với các FTA, tạo dựng ý chí chủ động vươn lên trong khó khăn, trước hết giành phần thắng trên sân nhà, thị trường nội địa.
Muốn được như vậy, các doanh nghiệp tư nhân đang rất cần nhận được sự hỗ trợ một cách công bằng như các doanh nghiệp nhà nước, FDI từ các cơ quan chức năng, và cần hơn nữa sự hậu thuẫn tích cực từ các chính sách, thể chế để khối DN này đủ điều kiện và từng bước tìm các “kẽ nhỏ” đưa được sản phẩm, dịch vụ của DN ra thị trường để hướng tới tiếp cận được thương trường khu vực và quốc tế.