MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Há miệng chờ sung, sung rơi ... cả thúng

Nhiều doanh nghiệp chỉ biết há miệng chờ sung. Sung rơi quả nào thì ăn quả ấy. Đến khi sung rơi … cả thúng thì không có sự chuẩn bị, không có nguồn lực để nhặt.

Hồi đầu tháng 12/2013, một báo cáo của Ngân hàng HSBC đã nêu nhận định rằng “sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân là chìa khóa tạo ra nhu cầu mạnh hơn và tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn cho Việt Nam”.

Không cần bàn thêm về vai trò của “kinh tế tư nhân” trong nền kinh tế Việt Nam khi những con số về tỷ trọng đóng góp vào GDP, thu ngân sách và hiệu quả hoạt động của khối này ngày một cao. Hơn nữa đã có những cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi trên khắp các hội thảo và trên báo chí về vai trò của kinh tế tư nhân – kinh tế nhà nước trong thời gian họp Quốc hội vừa qua.

Song với một thực tế là đã có tới 60.737 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động trong năm 2013 thì phải thấy rằng, khối kinh tế này cần thêm sự giải cứu. Và trong điều kiện khó khăn, khi Nhà nước còn phải gồng mình điều hành các chính sách vĩ mô để giải quyết vấn đề trên tất cả các lĩnh vực thì tính chủ động – sự giải cứu từ bên trong của các thành phần tư nhân lại được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết.

Xu hướng và cơ hội

Để nhìn thấy xu hướng và cơ hội, hãy xem nhận định của các chuyên gia kinh tế.

TPP được chuyên gia Võ Trí Thành đánh giá là một cơ hội lớn chưa từng có cho Việt Nam mặc dù còn “nhiều điểm kỹ thuật” có thể khó khăn. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng Hiệp định này sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường các nước đối tác cho các ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước ta mà nổi bật là dệt may, gạo, thủy sản. Nó cũng sẽ tạo ra một sức ép đổi mới cho nền kinh tế với tính minh bạch được nâng cao hơn, sự cạnh tranh bình đẳng hơn và cũng gay gắt hơn, là thời cơ cho các doanh nghiệp Việt thoát khỏi vòng xoáy gia công.

Về xu hướng, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nhận định: “Khi nền kinh tế suy thoái,đầu tiên là ngành Công nghiệp chế biến chế tạo và khi kinh tế phục hồi thì ngành phục hồi đầu tiên cũng chính là ngành Công nghiệp chế biến chế tạo và ngành công nghiệp phụ trợ cho những ngành đó.” Những số liệu mới được công bố về chỉ số tiêu thụ, tồn kho đang thể hiện sự hồi phục của ngành này.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh thì cho rằng “công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, sẽ là xu hướng của thời đại”. Thực tế tại Việt Nam, ngành công nghiệp này cũng chưa phát triển. Và đây có thể là cơ hội cho những người muốn bắt đầu.

Thế nhưng, chúng ta đã chuẩn bị được đến đâu?

Mới đây, một số bài báo đã nêu lên thực trạng hiện nay là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có liên quan trực tiếp tới hiệp định TPP vẫn mù mờ về những nội dung trong hiệp định, đặc biệt là liên quan trực tiếp tới xuất khẩu. Và bởi “mù mờ” nên cũng không có sự chuẩn bị.

Gặp một số chủ doanh nghiệp tư nhân nhỏ có ý thức quan tâm và đến tham dự những buổi Hội thảo về TPP thì thấy những suy nghĩ như sau: “Chuyên gia vẫn chỉ nói chung chung là sẽ có cơ hội, sẽ giảm thuế, sẽ minh bạch và cạnh tranh bình đẳng. Nhưng thực sự tôi chưa thấy là sẽ có một tác động rõ nét nào đến doanh nghiệp của mình”.

Đáng buồn hơn, họ cho rằng việc cải cách thể chế của Việt Nam “không biết đâu mà lần” nhưng vẫn trông chờ “xem sắp tới Nhà nước có chính sách gì hỗ trợ doanh nghiệp”.

Lại nói về ngành công nghiệp phụ trợ, một tiến sỹ, nguyên là giám đốc trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc cho biết, ông đã từng đi thuyết phục doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến ngành phụ trợ khi mà những công ty lớn của nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy để sản xuất nhưng vẫn phải nhập khẩu từ cái cúc áo, cái– mơ –đến như Samsung cũng phải nhập linh kiện điện thoại từ Trung Quốc và các nước khác.

“ Doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam đầu tư thì họ cũng muốn mua phụ kiện ngay tại Việt Nam để giảm giá thành sản xuất chứ” – ông bức xúc – “Nhưng khi chúng tôi thuyết phục những doanh nghiệp của mình đầu tư và chỉ rõ những tiềm năng to lớn của ngành này, thì họ vẫn thờ ơ và thậm chí cho rằng những thứ như cúc áo,– mơ –là … quá nhỏ nhặt.”

Trong khi đó, nhìn sang Trung Quốc, họ sản xuất tất cả những cái gì có thị trường. Một ví dụ tiêu biểu là chiếc kèn vuvuzela nhỏ bé do Trung Quốc sản xuất đã thống trị các sân vận động tại các giải thi đấu như thế nào.

Rồi thì việc đầu tư vào nghiên cứu phát triển, gia tăng giá trị cho sản phẩm, Tiến sỹ Trần Đình Thiên từng nói: “Doanh nghiệp mình không muốn mất chi phí nghiên cứu, chỉ muốn lấy luôn kết quả người ta đã làm được, lại còn muốn lấy miễn phí.” Mà như thế thì không thể tạo ra giá trị cạnh tranh cho doanh nghiệp được.

Không có con số nào cho biết những doanh nghiệp thụ động này chiếm bao nhiêu phần trăm, nhưng may mắn là vẫn có những doanh nghiệp, mà như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, thì đã tự điều chỉnh, chọn cách đi mới, chủ động thay đổi chiến lược kinh doanh cho phù hợp với thế cuộc. Theo đó, doanh nghiệp không còn tận dụng tài nguyên, lao động giá rẻ mà chú trọng vào thay đổi công nghệ, tập trung chuyên môn hóa thay vì đa dạng hóa kinh doanh như trước...

Xin đừng há miệng chờ sung

Tết đến gần, những mặt hàng cây ngũ quả, dưa hấu bản đồ Việt Nam, dưa hấu thỏi vàng, bưởi hồ lô… được tung ra, thể hiện sự tìm tòi sáng tạo không ngừng của người nông dân và sự nhạy bén của thương nhân Việt Nam. Thay vì chờ đợi xem Nhà nước hỗ trợ gì, có chính sách gì để “phục hồi nền kinh tế” thì những người này đã chủ động tìm cách để kinh doanh và làm giàu.

Tất nhiên, hoạt động của doanh nghiệp, cũng như những hộ kinh doanh cá thể đều được đặt trong nền kinh tế chung và chịu ảnh hưởng của những chính sách nhưng trong thời kỳ hiện nay, sự chủ động thực sự là yếu tố cần thiết nhất. Chuyên gia kinh tế vĩ mô là những người chỉ ra được xu hướng và cơ hội, nhưng bản thân chủ doanh nghiệp mới nắm rõ doanh nghiệp mình nhất để biết mình yếu gì, thiếu gì.

Xin mượn lời của Tiến sỹ Trần Đình Thiên để kết lại:

“ Nhiều doanh nghiệp chỉ biết há miệng chờ sung. Sung rơi quả nào thì ăn quả ấy. Đến khi sung rơi … cả thúng thì không có sự chuẩn bị, không có nguồn lực để nhặt. Thành ra không nhặt được gì”.

Hy vọng các doanh nghiệp chuẩn bị được đầy đủ kỹ năng và có một kế hoạch kinh doanh chi tiết bài bản cùng một quyết tâm, tinh thần khởi nghiệp và kiên nhẫn để tận dụng được cơ hội trong thời gian tới.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên